Đào tạo giáo viên: Việc phải làm hàng ngày và liên tục

Dương Cầm | 22/05/2022, 06:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Qua tiến hành tìm hiểu các chương trình đào tạo giáo viên toán của các trường sư phạm, có nhiều điều chúng ta cần nhìn nhận và cần sự điều chỉnh nhất định.

Đào tạo giáo viên là việc làm thường xuyên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới.Đào tạo giáo viên là việc làm thường xuyên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Mục đích để gây dựng những chương trình phù hợp nhất đối với người sắp làm giáo viên, đang làm giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu của đổi mới căn bản và toàn diện.

Giáo viên có cần tiếp tục được đào tạo?

Trên trang web của các trường sự phạm, tôi thấy quá ít các thông tin về đào tạo chuyên sâu kĩ năng dạy học, ngoài thông tin về đào tao sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) và các khóa về nghiệp vụ sư phạm.

Tôi hỏi các giáo viên đang làm việc, đang tham gia các khóa học của tôi rằng: “Sau khi tốt nghiệp khoa Toán sư phạm, các em sẽ quay lại trường học những gì?”. Hầu hết các em trả lời tôi là khi có điều kiện sẽ quay trở lại học Thạc sĩ; các em không biết trường sư phạm có những khóa học nào khác cho giáo viên. Mà rõ ràng, học Thạc sĩ hay các khóa học đạt chuẩn không quyết định được nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên, vì nó không bao hàm các kĩ năng làm việc hàng ngày của các giáo viên.

Tôi lại hỏi các em:

- “Khi các em muốn học những nội dung cập nhật, nâng cao năng lực nghề nghiệp thì các em sẽ học ở đâu?”. Các em nói với tôi rằng: Em không biết, hoặc em sẽ hỏi đồng nghiệp, hoặc có em sẽ tìm kiếm trên Google, trên mạng xã hội… Có em còn nói: “Trường em đang dạy yêu cầu học gì thì em học như thế”.

Tôi nhớ rằng, các chuyên gia nghiên cứu về nghề nghiệp cho biết: Những kiến thức, kĩ năng nghề của chúng ta sẽ bị “lạc hậu” – thường là trong khoảng 5 năm. Có nghĩa là, sau mỗi 5 năm, chúng ta cần học để bồi đắp kiến thức, kĩ năng mới, liên quan đến nghề để đảm bảo chúng ta sẽ làm tốt NGHỀ.

Cụ thể ở đây là NGHỀ GIÁO VIÊN, giáo viên dạy toán nói riêng đều cần cập nhật kiến thức, kĩ năng dạy toán. Nhưng hình như các trường sư phạm “quên” mất điều này? Hoặc chưa chủ động thiết kế các khóa bồi dưỡng cho giáo viên thành hệ thống để các giáo viên biết, tìm đến, và sẵn sàng học tập?

Thiết nghĩ, tiếp cận cả ở sứ mệnh – trường sư phạm – trường về nghề giáo và “kinh tế” thì việc xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo sự phát triển của giáo viên là rất quan trọng. Mỗi giáo viên chúng ta có “tuổi thọ” nghề nghiệp khoảng 35 năm. Trong hành trình đó, chúng ta cần học biết bao kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp nữa. Sự chủ động ở các trường sư phạm sẽ giúp hạn chế “học bị động”, chỉ học khi có yêu cầu bắt buộc đổi mới của ngành các giáo viên sẽ chủ động được học, được tái đào tạo… và các trường chủ động “chăm sóc khách hàng” của mình. Như vậy, chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên một cách chủ động từ phạm vi “nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo”.

Công nghệ giúp đào tạo giáo viên hiệu quả?

Sự lạc hậu trong cuộc sống bình thường khiến chúng ta biết nỗi khổ là thế nào rồi. Chắc là thấm lắm, như là sửa ngôi nhà cũ, sửa chỗ này thì lại hỏng chỗ khác.

Trong công nghệ giáo dục, hiện tượng này càng ngày càng rõ như ban ngày vậy. Đến nỗi mà trên mạng xã hội, có bao nhiêu bài đăng về “nỗi khổ của giáo viên” tăng lên gấp 100 lần khi dạy online. Rồi phụ huynh, rồi học sinh cũng kêu như thế! Vậy chắc là dạy online như hiện giờ không giải phóng con người, không tạo ra thời cơ “ứng dụng sức mạnh của công nghệ” để: Học chủ động, Dạy sáng tạo… như “tôi vẫn tuyên truyền” rồi!

Những nỗi khổ khó đặt tên lắm: Nào là máy tính, thiết bị không đồng bộ; đường truyền yếu; học sinh không có động lực; giáo viên thiếu kĩ năng dạy… Nhưng chỉ nghĩ đến sự việc học sinh chép bài vào vở, rồi lại làm bài ra giấy, lại chụp ảnh gửi cho giáo viên… thì đã thấy “rất thủ công” trong một công việc tưởng chừng “hiện đại”.

Những nỗi khó, nỗi khổ như ta thấy hiện nay đến người người nghi ngờ “hiệu quả”, “sức mạnh” của giáo dục trực tuyến. Người ra chưa nhìn thấy sự thật về học kết hợp (Blended learning), học chủ động/ học thích ứng (Adaptive learning). Vì học sinh đâu có cơ hội nào học với máy, trên máy có đầy đủ dữ liệu để học sinh khám phá, học sinh tự học. Rồi giờ lên lớp, đâu có cơ hội để diễn ra việc học với các hoạt động học tập bậc cao như thảo luận, thực hành… Rồi đâu thấy hiện thực của mục tiêu: Tự học, tự chủ, ý chí tự lập, phát triển kỹ năng số và phát triển năng lực cho cuộc sống trong bối cảnh công nghiệp 4.0…!

Giáo viên đâu thấy được dạy học trực tuyến với một hệ thống LMS đầy đủ theo nghĩa không chỉ đáp ứng 10 hoạt động quản lí việc học mà còn có cả dữ liệu để họ dùng trong dạy học, máy tính hỗ trợ đánh giá thực học của học sinh.

Nhà quản lí đâu thấy được sức mạnh của công cụ trực tuyến trong quản lí việc dạy và việc học. Một cú click chuột sẽ ra được báo cáo về quá trình học, quá trình dạy, rồi ngay cả các chỉ số đánh giá nữa…

Các hãng công nghệ có thể trình làng rất nhiều công cụ, để “gọi vốn” với giấc mơ trở thành “kì lân”, nhưng các công cụ lẻ tẻ đó có giải quyết được bài toán mà giáo dục cần hay không? Chỉ cần nhìn vào thực tiễn 3 năm qua, để thấy rằng, sự “manh mún” trong đầu tư là có, và nó đang tạo ra cơn sóng ngầm với nỗi sợ “trực tuyến” cho cả người dạy và người học.

Đặt trong việc đào tạo giáo viên, trước khi ứng dụng công nghệ trong dạy học, người giáo viên nên trải nghiệm việc học bằng công nghệ. Ở đây, tôi muốn nói đến, họ cần được tham gia khóa đào tạo/ bồi dưỡng mà ở đó công nghệ là một môi trường, là một phương tiện học tập. Khi họ đã trải nghiệm thành thạo, tôi tin, họ sẽ làm chủ công nghệ trong công việc của mình. Tất nhiên, không thể thiếu yêu cầu, công nghệ mà họ được sử dụng phải là một hệ sinh thái giáo dục đầy đủ. Một bản sao số của trường học, lớp học…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo giáo viên: Việc phải làm hàng ngày và liên tục