Đào tạo liên thông: Nhìn vào thực tế để tháo gỡ điểm nghẽn

16/04/2024, 06:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đào tạo liên thông còn nhiều khó khăn cần giải pháp tháo gỡ...

Cho phép mở rộng đối tượng học liên thông theo cơ chế chuyển đổi tín chỉ. Nếu học sinh THPT có chứng chỉ công nhận kỹ năng nghề thì có thể được miễn trừ những nội dung trong chương trình giáo dục nghề nghiệp, thậm chí cho phép các em học trước một số học phần của giáo dục đại học.

Qua đó, giúp người học có định hướng nghề nghiệp sớm và tạo nguồn đầu vào cho giáo dục đại học. “Như vậy, rất cần đổi mới cách tổ chức giáo dục theo cơ chế tín chỉ ở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhìn nhận.

Bên cạnh đó, có thể hình thành cơ chế hội đồng liên thông theo ngành và ký kết các thỏa thuận liên thông; đồng thời xây dựng văn hóa hợp tác giữa cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Mặt khác, cần thống nhất cấu trúc chương trình giảng dạy giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ở ngành học. Ưu tiên kiểm định chương trình theo ngành học và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đào tạo nói chung và đào tạo liên thông nói riêng.

Học sinh, phụ huynh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Sỹ Điền
Học sinh, phụ huynh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Sỹ Điền

Cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo VQF, Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) và Chuẩn chương trình đào tạo… là đề xuất của PGS.TS Nguyễn Danh Nam. Ngoài ra, trao quyền tự chủ cao cho các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh và đào tạo liên thông; trong đó có việc xét công nhận khối lượng học tập đã tích lũy của người học.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế, chính sách giữa các cơ sở trong đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học. Xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục mở và sử dụng tài nguyên giáo dục mở (chuyển đổi tín chỉ từ các tổ chức đào tạo khác ngoài hệ thống giáo dục đại học). “Liên thông giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là cần thiết, góp phần xây dựng xã hội học tập. Muốn vậy, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho đào tạo liên thông, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số”, PGS.TS Nguyễn Danh Nam nhấn mạnh.

Theo báo cáo kết quả đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với trình độ đại học giai đoạn 2017 - 2023 của Tiểu ban Giáo dục đại học (Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực), tổng số cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay là 243 trường (không tính các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh); trong đó số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo liên thông là 134 trường, chiếm 49% số cơ sở đào tạo.

Đối với đào tạo liên thông chính quy, 39% cơ sở đào tạo sử dụng hình thức xét hồ sơ; 23,4% sử dụng hình thức thi tuyển và 29,9% kết hợp thi tuyển và xét hồ sơ để tuyển sinh đầu vào. Về phương thức tổ chức đào tạo, 53,2% cơ sở tổ chức lớp đào tạo liên thông riêng, 28,6% kết hợp tổ chức lớp liên thông chính quy riêng và lớp cùng sinh viên chính quy, 18,2% tổ chức cho sinh viên liên thông chính quy học cùng lớp với sinh viên chính quy.

Đào tạo liên thông có 2 hình thức là: Chính quy và vừa làm vừa học, trong đó ở hình thức nào cũng có nhóm khác nhau: Từ trung cấp lên đại học, từ cao đẳng lên đại học và từ đại học sang đại học (văn bằng 2).

Trong 134 trường có đào tạo liên thông, các trường có thể đào tạo theo hình thức chính quy và vừa làm vừa học, hoặc chỉ đào tạo một hình thức: Chính quy/vừa làm vừa học. Cũng có thể đào tạo một hoặc nhiều cấp độ khác nhau tùy theo nhu cầu người học và năng lực của nhà trường.

Mặc dù đào tạo liên thông chính quy từ cao đẳng lên đại học có nhiều trường tổ chức nhất nhưng số lượng chương trình đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm, vừa học từ cao đẳng lên đại học lại nhiều hơn - với 411 chương trình. Nguyên nhân của việc này là, người học liên thông đa phần là đi làm, học liên thông lên đại học để phục vụ nhu cầu trong công việc. Do đó hình thức vừa làm, vừa học giúp người học có thể duy trì công việc hiện có, đồng thời nâng cao kiến thức, trình độ.

Tại Phiên họp thứ 4 của Tiểu ban Giáo dục đại học (Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực) diễn ra cuối tháng 12/2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, hiện hệ thống liên thông được tổ chức, triển khai đa dạng. Mặc dù các chính sách quy định hướng đến việc mở cơ hội, tạo điều kiện học tập cho người học, nhưng điều đó không dễ dàng. Cùng đó, đào tạo liên thông tuy được tạo điều kiện thuận lợi nhưng vẫn phải đáp ứng, thích nghi với sự thay đổi của thị trường lao động.

Thứ trưởng gợi mở, cần tập trung nhiều hơn vào xây dựng chính sách, tạo cơ hội cho người học và cơ sở giáo dục đại học; đồng thời đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Theo đó, có thể xây dựng hội đồng liên thông. Cấp cơ sở có thể xây dựng quy chế với những chuẩn mực và có sự liên kết, liên minh nhằm bảo đảm công bằng với người học; đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong quá trình đào tạo. Ngoài ra, các thông tin phải minh bạch, công khai.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham gia, phối kết hợp mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định “Quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân”; bổ sung thêm căn cứ, phân tích kỹ hơn dữ liệu theo trường, ngành, đối tượng để phát hiện ra những điểm nghẽn và nguyên nhân; từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), trong 10 ngành đào tạo liên thông có quy mô nhiều nhất, thì Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học có nhu cầu lớn nhất, lần lượt là: 13.115, 12.841 sinh viên. Theo Luật Giáo dục năm 2019, yêu cầu trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng trở lên, còn giáo viên tiểu học phải có bằng đại học trở lên. Vì thế số lượng giáo viên có bằng trung cấp, cao đẳng học liên thông để lấy bằng đại học ngày càng nhiều.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-lien-thong-nhin-vao-thuc-te-de-thao-go-diem-nghen-post679310.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-lien-thong-nhin-vao-thuc-te-de-thao-go-diem-nghen-post679310.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo liên thông: Nhìn vào thực tế để tháo gỡ điểm nghẽn