Tại Long An, việc tuyển dụng lao động hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là lao động có tay nghề, qua đào tạo.
Xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là việc giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh vẫn còn một số hạn chế, tỉnh Long An đã có nhiều giải pháp nhằm thu hút học sinh học nghề, góp phần nâng tỉ lệ phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động (5 công lập, 8 tư thục). Trong đó có 4 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 2 đơn vị tham gia giáo dục nghề nghiệp; năng lực tuyển sinh 30.000 người/năm (2.500 cao đẳng; 6.500 trung cấp, 21.000 sơ cấp và thường xuyên).
Thời gian qua, Long An đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề như: Ban hành Nghị quyết số 31 về hỗ trợ học phí cho sinh viên học nghề hệ cao đẳng, đã góp phần tăng tỷ lệ học sinh vào học cao đẳng của tỉnh thời gian qua; đầu tư kinh phí 103,17 tỷ đồng cho Trường Cao đẳng Long An xây dựng Xưởng thực hành và trang thiết bị từ nguồn kinh phí đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan triển khai xây dựng 71 chương trình đào tạo.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An Nguyễn Đại Tánh cho biết: Ngành và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần cho công tác giáo dục nghề nghiệp ngày càng sát hợp hơn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Theo đó, liên kết chặt chẽ với 215 doanh nghiệp để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 37 giáo viên, cử 92 lượt giáo viên thực hành thực tế tại doanh nghiệp để cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng giảng dạy; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo theo đặt hàng cho 24 doanh nghiệp, với 216 lao động; đưa 1.917 học sinh sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sau đào tạo. Cử 8 giáo viên, đội ngũ quản lý đi bồi dưỡng ngắn hạn tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Trường Cao đẳng Long An được Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị với số tiền 1,7 triệu Euro và 3 tỉ đồng cho nghề Cơ điện tử và tổ chức đào tạo nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức cho 148 học sinh trung cấp khóa 2023 theo tiêu chuẩn Đức. Nhà trường được Dự án Aus4skill của Chính phủ Australia hỗ trợ các nội dung đào tạo nghề Logictics theo chuẩn của Australia.
Mục tiêu đến cuối năm 2024 của Long An là 75% lao động qua đào tạo, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 35%. Long An đã và đang chú trọng các nhóm giải pháp kỹ thuật và giải pháp liên kết đào tạo: Tiếp tục triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.
Đồng thời triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động gắn với Đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030” để thu hút, giữ chân người lao động, nhất là lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đang hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.