Đào tạo tiến sĩ: Đầu tư sớm và xa

15/04/2024, 13:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở, cần có giải pháp khuyến khích người giỏi, tài năng làm nghiên cứu sinh...

Liên quan đến cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo, tôi cho rằng, để thực hiện chủ trương này cần quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ, để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải manh mún.

Ông Lê Tuấn Tứ (đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV): Trau dồi năng lực để trở thành nhà khoa học chân chính

Ông Lê Tuấn Tứ.
Ông Lê Tuấn Tứ.

Theo tôi, Nhà nước cần có chiến lược cấp kinh phí cho những đề tài luận án tiến sĩ nằm trong nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm của trường đại học.

Mức cấp ở mức hợp lý để đảm bảo nghiên cứu sinh thực hiện được ý tưởng khoa học, xây dựng các thí nghiệm nghiên cứu, thu kết quả với hàm lượng khoa học tốt cho công bố quốc tế.

Phía cơ sở đào tạo, nên xem nghiên cứu sinh là những cán bộ làm khoa học, đóng góp cho sự phát triển của đơn vị. Muốn vậy, các cơ sở đào tạo cần có chiến lược đầu tư trực tiếp cho nghiên cứu sinh như: Cấp học bổng, trả lương/thù lao từ hoạt động nghiên cứu, tham gia trợ giảng, hướng dẫn sinh viên, để đảm bảo cuộc sống tối thiểu của bản thân và yên tâm với công việc nghiên cứu.

Nghiên cứu sinh được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu của người hướng dẫn. Hỗ trợ cho nghiên cứu sinh chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở. Xây dựng các định hướng, chương trình nghiên cứu có tính dài hạn để các ứng viên có thể tìm hiểu trước, làm việc với thầy và nhóm nghiên cứu để xây dựng ý tưởng, đề xuất đề tài và kế hoạch nghiên cứu cụ thể. Các doanh nghiệp cần quan tâm, hỗ trợ cho nghiên cứu sinh và đầu tư trang thiết bị cho trường.

Về phía người học, luôn thể hiện quyết tâm cao, nhiệt huyết trên con đường khám phá, tìm tòi tri thức mới. Nghiên cứu sinh phải có sự chuẩn bị kỹ càng đề tài luận án, nhận thức đúng về việc làm nghiên cứu sinh. Trên hết cần trau dồi năng lực nghiên cứu để trở thành nhà khoa học chân chính.

GS.TS Vũ Đình Lãm - Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ Việt Nam: Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và kết nối khởi nghiệp

GS.TS Vũ Đình Lãm.
GS.TS Vũ Đình Lãm.

Tôi cho rằng, cần triển khai các giải pháp hỗ trợ năng lực nghiên cứu và trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho các nghiên cứu sinh dự bị; tăng nguồn học bổng hỗ trợ nghiên cứu sinh; đồng thời xây dựng giải pháp tư vấn, hỗ trợ ứng viên dự tuyển nghiên cứu sinh chuẩn bị các điều kiện đầu vào trước khi đăng ký.

Có thể mở chương trình tiền tiến sĩ (dự bị tiến sĩ - pre-doctor) cho các học viên chưa đủ tiêu chuẩn về ngoại ngữ và/hoặc năng lực nghiên cứu. Có thể nói, chương trình này rất hiệu quả, một số cơ sở giáo dục trong nước đã triển khai, điển hình là Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.

Ngoài ra, cần khai thác tốt hợp tác quốc tế, liên kết với đối tác nước ngoài có uy tín để nghiên cứu sinh có cơ hội thực tập, trao đổi, trải nghiệm hoặc được đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài. Hoặc là phát triển hình thức đào tạo song bằng, tức là liên kết đào tạo với một trường đại học ở nước ngoài (nghiên cứu sinh sẽ có cơ hội thực hiện một phần công trình của luận án ở nước ngoài trong nửa thời gian đào tạo).

Để nâng cao chất lượng nghiên cứu sinh, các cơ sở đào tạo cần xây dựng chương trình đào tạo mới đặc sắc, đáp ứng yêu cầu nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy mạnh mẽ bài giảng trực tuyến của giảng viên trong nước và quốc tế. Các chương trình đào tạo được cơ cấu lại linh hoạt để hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho việc trao đổi và công nhận tín chỉ với cơ sở giáo dục đại học có uy tín trong và ngoài nước, cũng như thuận lợi cho việc thu hút học viên cao học, nghiên cứu sinh người nước ngoài.

Đặc biệt, cần gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và kết nối khởi nghiệp. Đầu tư xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và thực hiện đào tạo sau đại học thông qua nhóm nghiên cứu để tiếp cận hướng nghiên cứu hiện đại, từng bước hội nhập với trình độ thế giới. Đồng thời, chương trình đào tạo cần tăng cường thực hành, thực tập, thực tế trong quá trình đào tạo, gắn học với hành, lý luận với thực tiễn.

Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện và chỉ đạo các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đẩy mạnh hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; hoạt động kiểm định chương trình đào tạo tiến sĩ theo tiêu chuẩn các tổ chức uy tín thế giới cũng cần quan tâm.

Để chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam sánh ngang các nước trong khu vực và thế giới, cần được đầu tư phù hợp. Ở các nước tiên tiến, chi phí đào tạo tiến sĩ rất cao như: Mỹ và các nước châu Âu khoảng 35.000 USD/năm, Nhật Bản và Hàn Quốc khoảng 20.000 - 25.000 USD/năm.

Trong khi ở Việt Nam, kinh phí đào tạo tiến sĩ khoảng 35 - 40 triệu đồng/năm. Với nguồn kinh phí như vậy, các cơ sở đào tạo khó triển khai hoạt động giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án chất lượng cao.

Một số cơ sở đào tạo ở Việt Nam đã xây dựng Chương trình đào tạo tiến sĩ chất lượng cao (tiêu chuẩn quốc tế), hoặc nghiên cứu sinh tham gia vào các đề tài/dự án của thầy hướng dẫn. Thông qua chương trình này, nghiên cứu sinh không phải đóng học phí, đồng thời có thể nhận hỗ trợ kinh phí cho hoạt động nghiên cứu phục vụ luận án.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-tien-si-dau-tu-som-va-xa-post678491.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-tien-si-dau-tu-som-va-xa-post678491.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo tiến sĩ: Đầu tư sớm và xa