Dấu ấn 'Sinh viên 5 tốt', 'Học sinh 3 tốt'

09/01/2024, 07:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Học sinh, sinh viên xuất hiện từ phong trào “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 tốt” lan tỏa tấm gương tiêu biểu trong học tập và rèn luyện.

Để phong trào không là bề nổi, Hội tổ chức tọa đàm, góp ý hoàn thiện cơ sở dữ liệu “Sinh viên 5 tốt”. Hằng năm, Hội tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng hồ sơ “Sinh viên 5 tốt” các cấp. Qua đây, đưa danh hiệu đến gần hơn với sinh viên, cung cấp thêm kiến thức, thông tin và giải đáp thắc mắc về phong trào “Sinh viên 5 tốt”.

Nhìn nhận, phong trào “Học sinh 3 tốt” phù hợp học sinh THPT và tạo động lực cho đoàn viên thanh niên nhà trường phấn đấu mọi mặt, cô Nguyễn Thị Châu Loan – Bí thư Đoàn Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, nhà trường luôn tạo môi trường để học sinh rèn luyện đạo đức. Thư viện và nhóm văn hóa đọc nhà trường đã xây dựng tủ sách “Bác Hồ với thanh niên”.

Ngoài ra, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho học sinh được tổ chức đa dạng như: Sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp với các tiết mục văn nghệ đặc sắc, giàu tính giáo dục. Năm học 2022 - 2023, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú tham gia tìm hiểu văn hóa truyền thống, lịch sử, văn hóa dân tộc, giới thiệu các sự kiện quan trọng của đất nước, Đảng, Đoàn và địa phương.

Cũng theo cô Châu Loan, nhà trường chú trọng giải pháp tạo môi trường cho học sinh phấn đấu học tập. Theo đó, đoàn viên, thanh niên được tham gia các hoạt động giáo dục, từ đó xây dựng thái độ, động cơ học tập đúng đắn, tinh thần cầu tiến, khắc phục tình trạng thiếu nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập. Đặc biệt, nhà trường đẩy mạnh hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập của cựu học sinh đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng; học sinh đạt thành tích cao trong và ngoài nước.

“Tại Trường THPT Phan Huy Chú, có nhiều câu lạc bộ thể dục thể thao như: Bóng đá, bóng rổ, cầu lông, đá cầu, bóng bàn, cờ vua, cờ tướng, boxing, võ… tạo môi trường sinh hoạt, hoạt động tập thể, rèn luyện, nâng cao thể lực cho học sinh”, cô Châu Loan nhấn mạnh về giải pháp phát triển thể lực học sinh. Cùng đó, nhà trường phát động cuộc vận động rèn luyện thân thể, kết hợp hoạt động thể dục.

Một hoạt động văn hóa, văn nghệ dành cho học sinh Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa). Ảnh: NTCC
Một hoạt động văn hóa, văn nghệ dành cho học sinh Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa). Ảnh: NTCC

Mở rộng mạng lưới

Khẳng định, phong trào “Học sinh 3 tốt” không thể là bề nổi, thầy Võ Nhật Minh - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định) phân tích, mỗi nội dung của phong trào được cụ thể hóa bằng các tiêu chí nên không thể làm giả hoặc cho có. Tuy nhiên, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu gương “Học sinh 3 tốt” trên các kênh thông tin đại chúng để tạo sức lan tỏa sâu, rộng.

Ngoài ra, cần linh hoạt một số tiêu chí đánh giá, giúp học sinh chủ động hơn khi tham gia hoạt động. Ví dụ, tiêu chí tình nguyện yêu cầu: Phải tham gia tình nguyện Hè; trong khi nhiều học sinh tham gia các hoạt động tình nguyện khác vì dịp Hè các em có kế hoạch từ trước nên không tham gia được. “Từ tiêu chí “cứng”, có thể chúng ta sẽ bỏ sót một số trường hợp tiêu biểu, xuất sắc”, thầy Võ Nhật Minh băn khoăn.

Riêng tiêu chí học tập, thầy Phạm Đức Anh – Bí thư Đoàn Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa) đề xuất, nên ưu tiên học sinh vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu không, khó có học sinh những vùng này đạt được danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp tỉnh và Trung ương.

Kiến nghị trên cũng là tâm nguyện của Giàng A Lử - sinh viên năm thứ nhất, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Vừa qua thời học sinh nên A Lử nhận thấy, với tiêu chí rèn luyện, đạo đức và thể lực, học sinh dân tộc không khó đạt được nhưng lại khó đáp ứng về tiêu chí học tập. Hầu hết học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có điều kiện học tập như vùng thuận lợi. Vì thế, với tiêu chí này, nên chăng có cách tính riêng dành cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn với phong trào “Sinh viên 5 tốt”, A Lử mong muốn có thêm nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, sát thực tiễn.

Đồng quan điểm, sinh viên Vũ Minh Quân - Khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội mong nhận được sự hỗ trợ, khuyến khích của các tổ chức đoàn thể và cần thêm sự công nhận, giúp đỡ từ cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc thi đua không chỉ cạnh tranh, mà còn là hỗ trợ lẫn nhau. Từ đó, mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và cùng phát triển.

Minh Quân đề xuất, cơ sở giáo dục đại học có thể thành lập câu lạc bộ “Sinh viên 5 tốt” cấp trường, hướng đến hoạt động tuyên truyền, vận động và hỗ trợ sinh viên có mong muốn tìm hiểu phong trào này. Bên cạnh đó, các trường trong cụm thi đua có thể liên kết câu lạc bộ “Sinh viên 5 tốt” để mạng lưới hoạt động thêm chất lượng, hiệu quả, lan tỏa sâu rộng hơn.

“Em mong có thêm nhiều “sân chơi” cho học sinh được giao lưu, học hỏi và phát huy sở trường, thế mạnh; trên hết rèn luyện để phát triển bản thân ngày một toàn diện hơn. Em cũng đề xuất đổi mới phương thức hoạt động của phong trào “Học sinh 3 tốt” theo hướng phù hợp với nguyện vọng, tâm lý lứa tuổi; trong đó chú trọng đến đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm, giáo dục hướng nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT”. - Học sinh Nguyễn Lan Phương - lớp 11A11, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội).

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dau-an-sinh-vien-5-tot-hoc-sinh-3-tot-post667714.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dau-an-sinh-vien-5-tot-hoc-sinh-3-tot-post667714.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu ấn 'Sinh viên 5 tốt', 'Học sinh 3 tốt'