Tôi bàng hoàng quá, lúc đầu chưa hiểu gì. Sau đó, tôi dành thời gian tìm hiểu và hỏi thăm người dân mới biết miếng đất tôi mua vướng ranh giới đường điện, nếu xây thì chỉ xây được một nửa diện tích, mà cũng không được xây cao.
Một số người khác thì góp ý có thể xin di dời đường điện được nên tôi nhờ anh công an khu vực giúp xin giấy phép để tôi được xây nhà. Anh cũng giúp tôi hỏi thăm nhiều nơi, nhưng cuối cùng thì vẫn không được phép xây dựng vì miếng đất đó nằm dưới đường dây cao thế 500kV.
Tôi khó khăn khi tìm người mua lại lô đất có đường dây điện chạy qua
Sau một thời gian hoang mang và tìm hướng giải quyết khả thi nhất, tôi đành chấp nhận bán đất.
Nhiều người lại hỏi mua, nhưng khi nghe nói đất dưới đường dây cao thế thì đều rút lui. Năm 2021, sau hơn 2 năm rao bán tôi mới bán được cho một người đang có nhu cầu mua gom đất làm nhà xưởng với giá… 4,6 tỷ, tương đương hơn 15 triệu/m2.
Tính ra, suốt 3 năm trời, với hàng chục lần chạy lên, chạy xuống để làm giấy tờ hay có khách xem đất thì tôi lời 100 triệu tiền mặt,… trong khi những lô đất tương tự cùng khu vực không có đường điện chạy qua đang được rao bán 20 triệu/m2. Như vậy, so với giá thị trường hoặc chí ít so với tiền gửi ngân hàng thì tôi mất cả tỷ đồng bởi lô đất trên.
Sau sai lầm của mình, tôi đã rút ra được một số bài học đắt giá:
Thứ nhất, mua đất, nhà là chuyện lớn, vì vậy tuyệt đối không được vội vã, không nên quyết định ngay trong một sớm một chiều khi người bán dễ dàng hạ giá.
Thứ hai, nên tìm hiểu từ chính quyền địa phương về thông tin quy hoạch của khu vực mình mua cũng như của lô đất.
Thứ ba, tránh mua nhà gần đường dây điện cao thế, trạm biến áp. Nếu không thể quan sát bằng mắt thường, người mua có thể sử dụng thiết bị đo trường điện từ để kiểm tra.
Thứ tư, nên làm quen với tham khảo một vài hàng xóm xung quanh và hỏi về thông tin của căn nhà trước khi quyết định mua.
Thứ năm, nên nhờ người thân hoặc bạn bè có kinh nghiệm xem nhà giúp trước khi ra quyết định.
(Hoàng Minh, 42 tuổi - Cầu Giấy, Hà Nội)