Cha mẹ Nhật sẽ hướng dẫn các em ghi chép các khoản chi trong tháng, được cho bao nhiêu? Mua cái gì? Giá bao nhiêu?… Sau đó, để trẻ tự hệ thống lại cái gì đáng và không đáng mua để tháng sau chi tiêu hợp lý hơn. Ngoài ra, cha mẹ Nhật luôn lên phương án dạy con phải có kế hoạch trong tương lai, muốn có “thù lao” thì phải lao động và tích lũy từng ngày.
Ví dụ, trong tuần này, bé được mời sinh nhật bạn vào thứ 4. Để có thể mua được món quà tặng bạn thì trẻ phải tiết kiệm tiền tiêu vặt từ thứ 2, thứ 3. Hoặc, để có thể mua được một chiếc ô tô điều khiển từ xa giống bạn A, trẻ sẽ phải tự gấp quần áo, sắp xếp và dọn dẹp phòng ngủ, cắt cỏ hoặc cọ toilet…
Lên bậc trung học cơ sở, mỗi em được cho tiền chi tiêu cá nhân trung bình từ 5.000 - 8.000 yên/tháng, tùy theo kinh tế mỗi gia đình. Với số tiền đó, trẻ phải tự chi trả tất tần tật các khoản như: Đồ dùng cho học tập, mua sắm quần áo, giày dép, cắt tóc, sinh nhật bạn… Nếu muốn mua khoản lớn hơn thì đương nhiên trẻ phải tiết kiệm.
Phụ huynh cần dạy trẻ cách đặt mục tiêu tiết kiệm cho một ngày quan trọng. Ảnh minh họa |
Chia sẻ về cách dạy trẻ tiết kiệm, cô Đinh Thị Phương Lan - giáo viên bộ môn FasTracKids STEM tại Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara - chia sẻ: “Sự ham học hỏi của trẻ ngày càng tăng theo độ tuổi. Vì vậy, điều quan trọng đối với cha mẹ là dạy trẻ những bài học tích cực về tiền bạc, kỹ năng tiết kiệm cho trẻ ngay từ nhỏ. Khi tiết kiệm tiền trở thành một công việc hằng ngày của trẻ, thì tiết kiệm cho tương lai sẽ trở thành thói quen. Giáo dục tài chính sớm có thể là bước đầu tiên trên con đường tự do tài chính của trẻ sau này”.
Do đó, trước hết, cha mẹ cần dạy trẻ những điều cơ bản về tiết kiệm. Cô Phương Lan dẫn chứng, theo các chuyên gia, ngay từ khi trẻ 5 tuổi, cha mẹ đã có thể bắt đầu dạy con về kỹ năng tiết kiệm tiền. Ở lứa tuổi bắt đầu này, trẻ có thể còn quá nhỏ. Tuy nhiên, chúng có thể hiểu giá trị và ý tưởng về các mặt hàng kinh doanh. Đây chính là cơ sở để trẻ hiểu về tiền sau này. Về sau, khi trẻ có được các kỹ năng toán học cơ bản, cha mẹ có thể dạy trẻ các khái niệm tài chính phức tạp hơn.
Phụ huynh cũng cần dạy trẻ cách đặt mục tiêu tiết kiệm cho một ngày quan trọng. Từ đó, giúp con không bị rơi vào sự hài lòng tức thì. Ví dụ, cha mẹ có thể dễ dàng mua cho con một chiếc hộp bút mới nhân ngày tựu trường. Tuy nhiên, sẽ tuyệt vời hơn nếu chiếc hộp bút đó được mua với những đồng tiền tiết kiệm của con trong 2 tháng trước.
“Theo Prosperity Now, đây là một trong những cách hiệu quả cho việc giáo dục tài chính dựa trên thời gian của trẻ. Cha mẹ có thể giúp con phát huy kỹ năng tiết kiệm bằng cách mở một tài khoản tiết kiệm. Sau đó, khi nhận được tiền mừng sinh nhật hoặc tiền mặt từ các công việc khác, con sẽ cất vào tài khoản và phục vụ cho việc mua các mặt hàng có giá lớn hơn.
Còn nếu con đủ tuổi để hưởng trợ cấp, hãy khuyến khích chúng gửi tiết kiệm và hưởng phần trăm hằng tháng. Lúc này, cha mẹ có thể dạy con cách thường xuyên kiểm tra số dư và chắc chắn chúng sẽ vô cùng thích thú khi thấy số dư tài khoản đang tăng dần với số tiền gửi và tiền lãi cộng vào”, nữ giáo viên chia sẻ.
Không ít phụ huynh đặt câu hỏi rằng, khi nào là thời điểm thích hợp để có thể dạy trẻ về tiền. Theo cô Phương Lan, học về tiền không phải như việc trẻ đi học trên trường. Vì vậy, hãy biến nó thành niềm vui bằng cách tìm những khoảnh khắc có thể dạy con về tiền, kỹ năng tiết kiệm cho trẻ trong cuộc sống hằng ngày.
Khi con có cơ hội đến ngân hàng cùng cha mẹ, phụ huynh hãy nói cho trẻ biết rằng, đây như một khu vườn giúp tiền phát triển. Cha mẹ có thể mua một con heo đất và khuyến khích con mình “vỗ béo” nó hằng ngày. Khi tiết kiệm tiền là một việc rất thú vị, trẻ sẽ rất thích được lặp lại hành vi này.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể dạy trẻ tiết kiệm thông qua các ví dụ. Trẻ em có khả năng quan sát rất cao. Vì vậy, từng hành vi, thái độ của cha mẹ và những người xung quanh về tiền bạc đều có ảnh hưởng lớn đến kỹ năng tiết kiệm ở trẻ. Phụ huynh hãy khen ngợi những hành vi tích cực của trẻ như việc gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm hoặc trả tiền cho những công việc đơn giản. Những lời khen ngợi này sẽ khuyến khích trẻ biến tiết kiệm trở thành một thói quen.
Đặc biệt, cha mẹ cần dạy cho trẻ những bài học về tiền bạc bằng cách tạo thói quen tiết kiệm cho con. Đồng thời, hướng dẫn con cách để phát triển tiền bạc. Đây sẽ là nguồn vốn tự do để trẻ phát triển tài chính sau này.
Thực tế đã chỉ ra, những đứa trẻ có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc ngay từ khi còn nhỏ sẽ biết cách giải quyết mối quan hệ giữa ham muốn và khả năng, sống cuộc sống của chính mình trong phạm vi cho phép. Những đứa trẻ như vậy sẽ có nhiều khả năng thành công hơn trong tương lai so với trẻ không biết tiêu tiền. Học cách sử dụng tiền là của cải cả đời quý giá nhất mà cha mẹ để lại cho con. Thái độ kiểm soát tiền bạc của một người phản ánh khả năng kiểm soát và lập kế hoạch cho một cuộc sống độc lập trong tương lai. Vì vậy, không chỉ dạy con làm việc chăm chỉ để tiết kiệm tiền, cha mẹ còn cần hướng dẫn trẻ tiêu tiền đúng cách.