Giáo dục

Dạy học 2 buổi/ngày: Cần hướng dẫn cụ thể với từng cấp học

10/04/2025 13:38

Dạy học 2 buổi/ngày với các trường trung học đang áp dụng theo Công văn 7291/BGDĐT ngày 1/11/2010 của Bộ GD&ĐT.

Từ thực tiễn triển khai, đại diện nhà trường, ngành Giáo dục địa phương cho rằng, Bộ GD&ĐT cần ban hành mới hướng dẫn vì nhiều nội dung tại Công văn 7291 không còn phù hợp.

Phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm

Trên địa bàn tỉnh An Giang, một số trường THCS, THPT (6/54 trường THPT, 3/155 trường THCS) đã thực hiện dạy học 2 buổi/ngày; trong đó có trường THPT chuyên, trường dân tộc nội trú và một số không phải trường chuyên biệt. Từ thực tiễn địa phương, ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Về thuận lợi, việc phân chia thời gian học thành 2 buổi giúp học sinh có thời gian nghỉ ngơi, từ đó giảm căng thẳng, tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức. 2 buổi học cho phép các trường sắp xếp chương trình giảng dạy linh hoạt hơn. Một buổi dành cho môn chính khóa. Buổi còn lại có thể dành cho các môn học lựa chọn, tự chọn, năng khiếu, thể thao, hoặc hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh phát triển các kỹ năng mềm và rèn luyện sức khỏe.

Ngoài ra, học 2 buổi không chỉ giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sâu rộng, mà còn tạo điều kiện để các em rèn luyện thói quen học tập kỷ luật, quản lý thời gian và sức khỏe tốt hơn, góp phần cho học sinh trưởng thành toàn diện.

Tuy nhiên, khó khăn khi triển khai dạy 2 buổi/ngày là cơ sở vật chất, phòng học. Các trường có tỷ lệ số lớp/số phòng học lớn hơn 1,5, thực hiện 2 buổi/ngày sẽ gặp khó khăn; kể cả phòng chức năng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chung, sinh hoạt tập thể, nơi sinh hoạt câu lạc bộ, thể dục thể thao…

Bên cạnh đó, học sinh phải ở trường lâu hơn, dễ dẫn đến mệt mỏi nếu không có thời gian nghỉ ngơi và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Chi phí cũng là vấn đề vì học 2 buổi có thể yêu cầu phụ huynh chi trả thêm tiền ăn uống, đi lại hoặc các hoạt động trái buổi. Quản lý và tổ chức phức tạp hơn. Nhà trường cần xây dựng lịch trình hợp lý, đội ngũ giáo viên phải tăng cường trách nhiệm để đảm bảo chất lượng giảng dạy hai buổi.

“Công văn 7291/2010 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học có một số nội dung chưa phù hợp với Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là quy định mới về dạy thêm, học thêm; do đó, cần có điều chỉnh phù hợp”, ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm với việc cần ban hành mới hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày, lý do ông Trần Sỹ Thành - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông đưa ra là thời điểm Công văn 7291/2010 ban hành khi các cơ sở giáo dục trung học thực hiện Chương trình GDPT 2006. Đến nay, các cơ sở giáo dục trung học đều thực hiện Chương trình GDPT 2018, nên công văn này có nhiều điểm không còn phù hợp.

“Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở các trường trung học nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm - học thêm không đúng quy định ở các nhà trường. Hiện nay, Đắk Nông có 78 trường THCS công lập, 32 trường THPT công lập, trong đó có 1 trường phổ thông dân tộc bán trú, 8 trường dân tộc nội trú.

Các trường phổ thông dân tộc bán trú, dân tộc nội trú có điều kiện cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu bán trú, nội trú của học sinh. Có khoảng trên 80% số trường THCS, THPT có cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy học 2 buổi trên ngày.

Tuy nhiên, trừ trường phổ thông dân tộc bán trú và dân tộc nội trú, các trường THCS, THPT trên địa bàn chưa đủ cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu bán trú (học sinh học 2 buổi/ngày có nhu cầu ở lại trường)”, ông Trần Sỹ Thành thông tin.

can-ban-hanh-huong-dan-moi5.jpg
Ảnh minh họa INT.

Nên thực hiện theo hướng dạy học 5 ngày/tuần

Để thực hiện tốt dạy học 2 buổi/ngày, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Tuấn Khanh, trước hết nên thực hiện theo hướng dạy học 5 ngày/tuần. Việc này được đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh đồng tình ủng hộ cao hơn, do phù hợp với chế độ làm việc 40 giờ/tuần của cán bộ công chức, viên chức và một số ngành nghề lao động.

Sắp xếp được dạy học 5 ngày/tuần giúp nhà trường quản lý tốt học sinh trong thời gian 5 ngày ở trường, phụ huynh quản lý con em trong 2 ngày còn lại. Để thực hiện được, tất nhiên về cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng… phải đảm bảo đáp ứng được tương đối yêu cầu.

“Dạy học 2 buổi/ngày không phải mô hình mới mà được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới; tuy nhiên, cách thực hiện tùy vào hoàn cảnh, điều kiện từng nơi, trường, sao cho khoa học và phù hợp mục tiêu của Chương trình GDPT hiện nay. Tất nhiên, quyền lựa chọn nên giao cho các trường tự nguyện thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”, ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.

Với văn bản về tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, ông Trần Sỹ Thành mong muốn Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể về thời lượng dạy học 2 buổi/ngày đối với từng cấp học và hướng dẫn kinh phí để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Cùng đó, hướng dẫn các cơ sở giáo dục dạy học 2 buổi/ngày tăng cường hoạt động phát triển năng khiếu cá nhân; giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống; giáo dục hướng nghiệp; giáo dục ngoài giờ lên lớp; tăng thời gian dạy học các nội dung khó; quan tâm dạy học sinh có năng lực học tập còn hạn chế.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đài (Phú Thọ) mong muốn Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể để các đơn vị có đủ điều kiện tổ chức thực hiện 2 buổi/ngày, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tổ chức các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể, Bộ GD&ĐT nên có quy định cụ thể về thời gian, thời lượng giờ học tối đa trong một ngày, giúp nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp.

“Theo tôi, mỗi ngày tối đa tổ chức 8 tiết học, trong đó có ít nhất 1 tiết là giáo dục tập thể, thể dục, thể thao, câu lạc bộ môn học… để rèn luyện thể chất và kỹ năng tương tác nhóm, phát huy sở trường, sở thích học sinh. Dạy học 2 buổi/ngày để có thời gian tổ chức tốt hơn các môn học, giờ học, hoạt động giáo dục theo chương trình quy định, không thêm thời lượng các nội dung mới ngoài chương trình.

Đây cũng là cơ hội để các nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục 5 ngày trong tuần, thực hiện nghỉ thứ 7, Chủ nhật. Do vậy, yêu cầu cán bộ quản lý, giáo viên làm việc tại trường theo đúng giờ hành chính, nhằm tăng cường công tác trao đổi chuyên môn, soạn chấm, trả bài đúng thời gian; thầy cô chuyên tâm vào công việc, tránh tình trạng giáo viên có giờ dạy hay hội họp mới đến trường”, ông Nguyễn Văn Hùng đề xuất.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 (chiều 6/4), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh 3 yếu tố để tổ chức tốt hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là: Đủ cơ sở vật chất; đủ số lượng giáo viên; có chương trình dạy học và tổ chức đủ các hoạt động trong 2 buổi, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT mới khảo sát nghiên cứu, chưa có yêu cầu THCS, THPT bắt buộc phải học buổi 2.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/day-hoc-2-buoingay-can-huong-dan-cu-the-voi-tung-cap-hoc-post726493.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/day-hoc-2-buoingay-can-huong-dan-cu-the-voi-tung-cap-hoc-post726493.html
Bài liên quan
Dạy học 2 buổi/ngày: Mỗi nơi mỗi khác
Việc dạy học 2 buổi/ngày ở cấp THCS, THPT hiện nay áp dụng văn bản ban hành từ hơn 15 năm trước, trong khi đã thực hiện chương trình mới và thông tư mới về dạy thêm. Do vậy, mỗi nơi đang hiểu và thực hiện theo những cách khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy học 2 buổi/ngày: Cần hướng dẫn cụ thể với từng cấp học