Tham gia buổi tập huấn, cô Trần Thị Quỳnh - Trường THPT Lục Nam (Lục Nam, Bắc Giang) và đồng nghiệp được báo cáo viên phân tích yêu cầu cần đạt của các bộ môn theo Chương trình GDPT 2018; nghiên cứu, phân tích cấu trúc, mức độ đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; so sánh yêu cầu kiểm tra đánh giá theo hướng đánh giá năng lực chương trình mới với yêu cầu kiểm tra đánh giá của chương trình hiện hành.
Tại buổi tập huấn, giáo viên cũng thực hành xây dựng câu hỏi bám sát cấu trúc đề minh họa phục vụ công tác kiểm tra đánh giá trên cơ sở hướng dẫn, tư vấn của chuyên gia về yêu cầu, kỹ thuật, cách thức xây dựng câu hỏi.
Sở GD&ĐT Hải Dương cũng tổ chức tập huấn giáo viên các trường THPT về biên soạn câu hỏi đánh giá, xây dựng đề kiểm tra định kỳ lớp 10, 11 vận dụng cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trong các ngày 15, 16, 17/4.
Ông Lương Văn Việt - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, mỗi trường cử 1 đến 2 thầy cô là tổ trưởng, nhóm trưởng, giáo viên có kinh nghiệm đã và đang dạy lớp 10, 11 theo Chương trình GDPT 2018 tham gia tập huấn. Mỗi tổ/nhóm chuyên môn được yêu cầu xây dựng 1 đề kiểm tra minh họa theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để thảo luận, trao đổi tại lớp tập huấn.
Tại Hòa Bình, thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến, sở có kế hoạch mời lãnh đạo, chuyên viên, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT làm báo cáo viên để tập huấn cho cán bộ, giáo viên THPT của tỉnh về biên soạn câu hỏi kiểm tra đánh giá, xây dựng đề kiểm tra định kỳ lớp 10, 11 môn Toán, Ngữ văn vận dụng cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vào ngày 14/4.
Nội dung tập huấn là xây dựng ma trận, bảng đặc tả đề minh họa bài kiểm tra định kỳ cho học sinh lớp 10, 11; thực hành xây dựng đề kiểm tra định kỳ các môn Toán, Ngữ văn cấp THPT và thiết kế câu hỏi, bài tập đánh giá năng lực học sinh, phương pháp, kỹ thuật các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ. Cán bộ, giáo viên được tham gia tập huấn sẽ về tổ chức tập huấn lại cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên trong nhà trường.
Soạn thảo đề kiểm tra theo định dạng mới, người ra đề phải nắm vững chương trình và mục tiêu kiến thức ở mỗi cấp độ; tuân thủ đúng ma trận, bản đặc tả đã xây dựng, thống nhất trong tổ chuyên môn. Cần bảo đảm câu hỏi, dạng bài được thiết kế để đánh giá năng lực tổng quát, không chỉ là ghi nhớ thông tin; nâng cao khả năng phân loại thí sinh; bảo đảm tính công bằng, phản ánh đúng năng lực học sinh. Thường xuyên đánh giá, điều chỉnh đề thi dựa trên phản hồi từ học sinh và kết quả kiểm tra.
Nhà trường cần phân công giáo viên phản biện đề độc lập và duyệt đề qua 2 vòng (tổ trưởng chuyên môn, ban giám hiệu phụ trách tổ bộ môn). Tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các khóa đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trong soạn thảo đề thi, đề kiểm tra. Có cơ chế khuyến khích giáo viên nghiên cứu, sáng tạo đề thi mới chất lượng. Liên kết với tổ chức giáo dục, trường học khác trao đổi đề kiểm tra và kinh nghiệm soạn thảo. - Thầy Lê Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp Newton Vĩnh Phúc)