Dạy và học theo đề minh họa Kỳ thi TN THPT từ 2025: Tránh rập khuôn, máy móc

03/01/2024, 15:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025, các nhà trường, giáo viên đã triển khai nghiên cứu.

Mục đích là áp dụng kịp thời, hiệu quả trong dạy học, ôn tập, kiểm tra đánh giá.

Điều chỉnh dạy học, ôn tập

Nghiên cứu đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 môn Lịch sử, cô Nguyễn Thị Diến - Trường THPT Trần Quang Khải (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) nhận định có sự thay đổi so với dạng đề thi đang sử dụng hiện nay với 2 hình thức trắc nghiệm.

Cụ thể, ngoài dạng trắc nghiệm 4 đáp án quen thuộc, đề có thêm hình thức đọc đoạn văn bản và lựa chọn nhận định đúng/sai. Với dạng lựa chọn đúng/sai, thí sinh phải vận dụng toàn diện kiến thức, kỹ năng mới có thể chọn được câu trả lời. Điều này giúp phân loại tư duy, năng lực nhiều nhóm học sinh khác nhau, hạn chế việc dùng “mẹo” hay “đoán mò” để chọn đáp án như dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Về tỷ trọng câu hỏi nhận biết, thông hiểu trong đề minh họa khoảng 70% nhưng chỉ chiếm khoảng 6/10 điểm trong đề thi. 4/10 điểm là các câu hỏi vận dụng. “Nhìn chung, đề có đổi mới, phù hợp tiêu chí kiểm tra đánh giá năng lực học sinh, đáp ứng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018”, cô Nguyễn Thị Diến nhận định.

Đánh giá tầm quan trọng của đề minh họa giúp thầy, trò hình dung mức độ và phạm vi kiến thức, từ đó điều chỉnh việc dạy học, ôn tập, kiểm tra phù hợp, cô Nguyễn Thị Diến cho rằng, giáo viên nên lập kế hoạch dạy học theo giai đoạn. Đầu tiên dạy học kiến thức nền; sau đó, dạy học, ôn tập theo chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức cơ bản, khai thác sâu các đơn vị bài học trọng tâm; tiến hành kiểm tra, đánh giá để cải tiến phương pháp, cách thức dạy học trong các giai đoạn tiếp theo.

Thầy cô cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch, có phương pháp, cách thức tổ chức dạy học phù hợp từng đối tượng, nhóm đối tượng học sinh. Quá trình dạy học, tổ chức ôn tập nên đưa vào bài giảng nhiều đoạn tư liệu, hướng dẫn học sinh nhận xét, phân tích được các tư liệu đó.

“Thay đổi cách ra đề kiểm tra tiệm cận với đề minh họa là cần thiết. Công việc này không hề đơn giản, đặc biệt với dạng câu hỏi đúng/sai. Giáo viên phải sưu tầm tư liệu từ nguồn tin cậy, từ đó đưa ra các nhận định đúng/sai trong câu hỏi. Cùng tìm nguồn tài liệu phù hợp, biên soạn chuyên đề giảng dạy, ngân hàng câu hỏi, bộ đề minh họa, đề thi thử tương ứng là việc tổ chức cho học sinh làm đề minh họa, hoặc các đề thi được xây dựng theo hướng đề minh họa mà Bộ GD&ĐT công bố”, cô Nguyễn Thị Diến lưu ý thêm.

Là giáo viên Tiếng Anh, cô Lê Phương Lan - Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) nhận thấy đề minh họa giảm nhiều phần ngữ pháp; câu hỏi tập trung chủ yếu vào các đoạn đọc ngắn, mang tính tư duy. Tuy nhiên, để đọc hiểu tốt, học sinh cần xây dựng vốn từ vựng và ngữ pháp; từ đó mới phát triển được các kỹ năng còn lại. Ngoài ra, các em cần luyện đọc đa dạng văn bản.

“Trước hết, học sinh cần “xây móng” là vốn từ vựng ngữ pháp, rồi làm quen với văn bản đọc từ nhiều nguồn (văn bản mang tính học thuật về chủ đề chính trị xã hội cho đến những văn bản gần gũi với đời sống như các tờ quảng cáo). Các em cũng nên chú trọng chủ đề/chủ điểm trong sách giáo khoa, ngoài ra có thể đọc truyện từ mức đơn giản đến nâng cao”, cô Lê Phương Lan đưa lời khuyên.

Chia sẻ kinh nghiệm với môn Hóa học, cô Lê Trịnh Minh Phương, Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) cho rằng, trong quá trình dạy học không nên bỏ sót bất cứ hình ảnh, thí nghiệm nào trong sách giáo khoa. Đồng thời, cần tìm hiểu sâu hơn về bản chất của thí nghiệm, từ đó rút ra nhận xét cụ thể từng bước tiến hành để truyền tải cho học sinh.

Giáo viên có thể cho học sinh làm thêm bài trong sách bài tập Hóa học; tìm hiểu kiến thức thực tế có liên quan để đưa vào câu hỏi, yêu cầu học sinh giải thích bằng bản chất hóa học. Với học sinh, nếu muốn vào được các trường đại học tốp trên, ngoài nắm chắc kiến thức cơ bản, cần tự học thêm các nội dung ngoài sách giáo khoa, chủ yếu liên quan tới kỹ năng giải thích thực tế bằng kiến thức hóa học...

Cô trò Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) trong giờ học. Ảnh: NTCC
Cô trò Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Sử dụng linh hoạt

Từ đầu năm học, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) đã xây dựng kế hoạch ôn tập, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa, nhà trường chuyển đến các tổ, nhóm chuyên môn và học sinh để tham khảo.

Lãnh đạo nhà trường tổ chức họp tổ, nhóm trưởng các môn thi tốt nghiệp, chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn họp phân tích dạng đề, mức độ, nội dung trong đề thi, từ đó điều chỉnh kế hoạch phù hợp với năng lực học sinh của trường. Giáo viên định hướng, hướng dẫn học sinh làm quen với nhiều dạng đề khác nhau với nội dung có liên quan đến đơn vị kiến thức từ đề minh họa, chuẩn bị bộ đề thi thử để học sinh ôn tập và làm thử.

Chia sẻ điều này, cô Trương Thị Cẩm Thúy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa lưu ý giáo viên không nên dựa trên nội dung từng câu của đề minh họa để ôn tập vào các dạng đó. Lý do, đề minh họa giúp thầy cô và học sinh định hướng cơ bản trong xây dựng nội dung ôn tập. Mức độ đề minh họa có thể nhẹ nhàng hoặc khó hơn đề thi chính thức. Do đó, học sinh vẫn cần ôn tập thật tốt, chuẩn bị kiến thức vững vàng.

“Kiến thức trong chương trình học khá rộng, người ra đề có thể ra nội dung khác nhau trong chương trình. Do đó, giáo viên không nên bám sát từng câu của đề minh họa để chỉ ôn tập vào dạng đó. Học sinh không nên học tủ theo đề minh họa”, cô Trương Thị Cẩm Thúy nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Diến cho rằng, giáo viên cần mở rộng phạm vi đề tài, coi khung chương trình và mục tiêu cần đạt là cơ sở cho hoạt động dạy học, kiểm tra. Tránh coi đề minh họa là kim chỉ nam, thước đo cho việc dạy học, kiểm tra. Điều này khiến việc dạy và học trở nên rập khuôn, máy móc, mất tính chủ động, sáng tạo, học sinh khó thích ứng các kỳ thi trong tương lai và làm sai lệch quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Chia sẻ công việc dự kiến triển khai sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025, cô Hoàng Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Mỏ Trạng (Bắc Giang) cho biết:

Nhóm giáo viên bộ môn sẽ cùng phân tích để hiểu rõ cấu trúc, yêu cầu, kiến thức được đề cập trong đề minh họa. Dựa trên đề minh họa, giáo viên xây dựng kế hoạch ôn tập chi tiết và hiệu quả. Nhà trường sẽ chỉ đạo giáo viên tập trung củng cố kiến thức, kỹ năng quan trọng học sinh cần có để đạt hiệu quả cao trong kỳ thi; hướng dẫn học sinh giải đề minh họa và các đề tương tự do thầy cô luyện...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy và học theo đề minh họa Kỳ thi TN THPT từ 2025: Tránh rập khuôn, máy móc