Văn hóa

Để các di tích, danh thắng ở Thủ đô luôn là điểm đến hấp dẫn

Mạnh Sơn 19/02/2024 06:33

(GDTĐ) - Du khách trong nước và quốc tế khi đến thăm Hà Nội đều dành thời gian đến tham quan các di tích, danh thắng của Thủ đô. Ngoài việc nâng cao chất lượng, dịch vụ, Hà Nội cần nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát triển du lịch.

anh-1-tet-di-tich.jpg
Du khách quốc tế đến thăm Hà Nội dịp Tết Giáp Thìn 2024

Nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn thu hút du khách

Vào dịp nghỉ lễ, nhất là dịp đón Tết cổ truyền Giáp Thìn năm 2024 trên các tuyến phố, các điểm du lịch, các di tích, danh thắng của Thủ đô được khoác trên mình màu áo mới, rực rỡ sắc Xuân, ngoài băng rôn, cờ Tổ quốc, có rất nhiều cây đào, quất cảnh cùng các loại hoa được trồng mới.

anh-2-tet-di-tich.jpeg
Du khách vào thăm Văn Miếu- Quốc Tử Giám

Theo Sở Du lịch Hà Nội, công tác tổ chức đón khách du lịch đến Thủ đô dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại các khu, điểm tham quan du lịch tiếp tục được diễn ra sôi động, hấp dẫn thu hút nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch; đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách.

Với tinh thần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đưa văn hóa trở thành tài nguyên và động lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch, chuỗi các hoạt động, sự kiện được diễn ra từ trước Tết kéo dài xuyên qua Tết Nguyên đán đã làm cho du khách đến Thủ đô được sống trong không khí Tết cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc bộ như: Triển lãm tranh “Vẽ con rồng” khai mạc tại di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Chương trình “Tết phố năm 2024” tại không gian phố bích họa Phùng Hưng; Hoạt động chủ đề “Hương xuân Tây Bắc” với các hoạt động chính như: “Chợ phiên - Chào năm mới 2024”, “Xuân về bản em”, Chương trình “Đón xuân ở bản em” và giới thiệu trò chơi dân gian mùa xuân của các dân tộc phía Bắc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Các hoạt động văn hóa, trưng bày giới thiệu về Tết cổ truyền như: Tại Ngôi Nhà di sản 87 Mã Mây thực hiện trang trí, sắp đặt không gian Tết truyền thống ở bên trong, trước cửa đình Kim Ngân và tổ chức thực hiện lễ rước truyền thống với chủ đề Tết Việt; Sắp đặt và tổ chức giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa như: Tổ chức gói bánh chưng; Các hoạt động chuẩn bị cho ngày lễ cúng Ông Công - Ông Táo và ngày Tất niên (nghi thức chuẩn bị các mâm lễ rước ra đình Kim Ngân); giới thiệu nghệ thuật gọt, tỉa và chơi hoa Thủy Tiên...; Nét mới hấp dẫn thu hút sự quan tâm đông đảo của nhân dân và du lịch tết năm nay là vào đúng đêm 30 tết, tai khu vực hồ Tây (phố Nguyễn Đình Thi - Trích Sài), UBND quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội “Rực rỡ Thăng Long” với màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 thiết bị bay không người lái (drones) với chủ đề “Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử”.

Cũng vào dịp Tết Nguyên đán, các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn Thành phố tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn để thu hút khách du lịch như: Chương trình văn hoá nghệ thuật đặc biệt đêm giao thừa tại Trung tâm Thông tin Văn hoá Hồ Gươm; Hoạt động biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống tại các phường trong khu phố cổ Hà Nội kéo dài từ ngày mồng 2 Tết đến ngày mồng 5 Tết (Tại Đình Kim Ngân ngày mùng 2 Tết; Đình Đồng Lạc ngày mùng 3 Tết; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật ngày mùng 4 Tết; Hội Quán Phúc Kiến ngày mùng 5 Tết)…

Cần nhiều giải pháp đồng bộ phát triển du lịch Thủ đô

Để phục vụ tốt việc đón khách du lịch, tại các điểm di tích, danh thắng của Thủ đô nhất là một số điểm du lịch tập trung đông khách du lịch trên địa bàn Thành phố như: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Di sản Hoàng Thành Thăng Long, khu vực Đền Ngọc Sơn và xung quanh hồ Hoàn Kiếm, di tích Nhà tù Hỏa Lò, chùa Trấn Quốc... đều xây dựng, triển khai nhiều phương án trong việc triển khai, phối hợp cùng lực lượng công an, dân phòng để đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ…

Sở Du lịch thành lập đoàn kiểm tra tại các điểm tham quan về việc trông gữi xe máy, ô tô cho khách, bán hàng rong, kiểm tra việc đeo thẻ của hướng dẫn viên. Bộ phận thông tin, hỗ trợ khách du lịch của Sở Du lịch đã cung cấp thông tin cho khách du lịch về tuyến điểm du lịch trên địa bàn, chỉ dẫn đường đi, thời gian tổ chức các sự kiện trên địa bàn Thành phố.

anh-4-tet-di-tich.jpg
Một bãi xe tự phát trên vỉa hè Văn Miếu

Tuy nhiên qua khảo sát thực tế tại các điểm du lịch, các di tích, danh thắng, đền, chùa, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, Phủ Tây Hồ... trong dịp Tết Giáp Thìn cho thấy: do nhu cầu đi lễ, tham quan của người dân và du khách tăng nên đã mọc lên các bãi trông xe tự phát, dù các lực lượng chức năng đã rất nỗ lực để hướng dẫn các phương tiện, đảm bảo an ninh trật tự nhưng do lượng người đông nhiều khi vẫn diễn ra cảnh ùn tắc, nhiều điểm đến vẫn là chỗ bán hàng ăn, hàng lưu niệm, tranh thủ vỉa hè trước cổng di tích để làm chỗ nghỉ trưa của hàng rong, xe ôm.

anh-6-tet-di-tich.jpg
Hàng ăn trước vỉa hè Văn Miếu

Nổi cộm nhất vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 là tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, luôn diễn ra tình trạng quá tải. Trên vỉa hè, ở cổng chính và cổng phụ của Văn Miếu nhiều người bán đủ loại chè chén, nước ngọt, đồ lưu niệm, hàng ăn, xúc xích, thịt nướng, nước mía, nước dừa...

Trên vỉa hè ở cổng trước và cổng phụ của Văn Miếu- Quốc Tử Giám còn là nơi đón, mời khách của đội ngũ xe ôm, xích lô, taxi dù, lập bãi trông xe máy tự phát. Tuyến đường từ Phố Văn Miếu vào Quốc Tử Giám đã bé, lại vướng bãi trông xe, các phương tiện qua lại đông kèm hàng rong lấn chiếm vỉa hè lại càng thêm chật chội và ùn tắc.

anh-8-tet-di-tich.jpg
Bãi chiến trường trong khuôn viên di tích Văn Miếu

Mặc dù lực lượng chức năng phường Quốc Tử Giám, Văn Miếu đã vào cuộc, nhắc nhở, kiểm tra, xử lý, nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè, bán hàng rong, chèo kéo khách, bán đồ ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mất mỹ quan ở di tích quốc gia đặc biệt vẫn tái diễn, chưa có hồi kết!?.

Từ thực tế vừa đề cập, ngoài sự nỗ lực của Ban quản lý từng di tích, danh thắng, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời những vi phạm, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyền truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và du khách, góp phần để các di tích, danh thắng của Thủ đô luôn là điểm đến hấp dẫn.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Du lịch Hà Nội: Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024 (từ ngày 8/2/2024 đến hết ngày 14/2/2024 dương lịch, tức từ ngày 29/12 đến hết ngày 5/1 âm lịch), Thủ đô Hà Nội ước đón 653 nghìn lượt khách, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng trưởng mạnh, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2023 với gần 103 nghìn lượt khách (các thị trường khách chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản.... ); khách du lịch nội địa tăng khá 12,2% với 550 nghìn lượt khách, công suất bình quân khối khách sạn ước đạt 59,6%, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2,35 nghìn tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để các di tích, danh thắng ở Thủ đô luôn là điểm đến hấp dẫn