Để hệ giá trị thanh niên toả sáng trong đời sống

24/06/2023, 13:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hệ giá trị thanh niên là gì, gồm những đặc điểm nào? Người trẻ cần nhận biết hệ giá trị cơ bản để giúp ích cho bản thân và xã hội.

Kết quả về văn hóa và định hướng giá trị thanh niên

Theo TS Đặng Vũ Cảnh Linh - Viện Nghiên cứu Thanh niên, qua khảo sát trên 1.022 thanh niên đại diện cho các nhóm: học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, nông dân, công nhân, ngành nghề kinh doanh, dịch vụ tại 6 địa phương: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, TPHCM và Bình Dương cho kết quả về văn hóa và định hướng giá trị thanh niên Việt Nam hiện nay.

Một số hoạt động và hoạt động văn hóa của thanh niên trong thời gian rảnh: Nói chuyện với người thân (88,8%), đọc sách báo - tin tức (85,7%), nghỉ ngơi (83,9%), nấu ăn - chăm sóc nhà cửa (83,3), xem phim - nghe nhạc (82,4%), sử dụng mạng xã hội (80,7%).

Các giá trị về chân - thiện - mỹ (74,6%), giá trị văn hóa dân tộc (74,4%). Một số giá trị khác còn lại được đa số thanh niên (chiếm trên 50%) coi trọng và tin tưởng đó là: ý nghĩa về cuộc sống nói chung (72,6%), ý nghĩa của tình bạn, tình yêu (70,5%), những điều tốt đẹp mà mọi người mang lại cho mình (64,0%), vật chất rất quan trọng và quyết định mọi việc (61,7%), lời nói và hành động của mọi người xung quanh (59,9%), tin tưởng mọi người đều có số mệnh (56,9%), tin tưởng những hình mẫu, thần tượng mình kỳ vọng (53,6%), tin chuyện tâm linh: trời, phật, thánh thần (50,21%).

Mức độ không tin tưởng của thanh niên có tỷ lệ khá cao: 19,6% không tin vào những hình mẫu, thần tượng mình kỳ vọng; 19,5% không tin vào trời, phật, thánh thần; 15,9% thanh niên không tin mọi người sống đều có số mệnh; 15,3% không tin vật chất quan trọng và quyết định mọi việc...

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn khoảng trên dưới 10% thanh niên tỏ ra nghi ngờ hoặc chưa tin tưởng vào chủ trương, chính sách, những việc tích cực, tiến bộ, các mối quan hệ với mọi người, ý nghĩa cuộc sống...

Những chỉ báo đáng quan tâm

Theo TS Đặng Vũ Cảnh Linh, đây là những chỉ báo rất đáng quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và làm công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, giáo dục lý tưởng, đạo đức pháp luật, công tác tuyên truyền, vận động thanh niên trong thời gian tới.

Giới chuyên gia cho rằng, một số hệ giá trị của thanh niên hiện nay cần có gồm 5 điểm. Thứ nhất: Sống có lý tưởng, tự tin, hoài bão. Đây là vấn đề không thể thiếu đối với thanh niên, nhất là khi nguy cơ “một bộ phận thanh niên phai nhạt lý tưởng cách mạng, chạy theo lối sống thực dụng, vọng ngoại, chủ nghĩa cá nhân”. Lý tưởng, hoài bảo chính là động lực và cũng chính là đích đến trong mỗi hành động, mỗi việc làm của thanh niên.

Thứ hai: Thanh niên cần có sức khỏe tốt như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Khỏe để công tác tốt, muốn công tác tốt phải có sức khỏe”. Có sức khỏe tốt mới đảm bảo cho thanh niên có đủ điều kiện để học tập, lao động. Có sức khỏe thanh niên mới phát huy được sức trẻ vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba: Phải có phẩm chất đạo đức, lối sống trung thực, thẳng thắng, có ý chí tiến thủ và khiêm tốn. Thanh niên ngày nay phải thẳng thắng lên án những hành vi, những hiện tượng vi phạm chuẩn mực xã hội. Thanh niên cần có đức tính khiêm tốn, nhã nhặn, biết ứng xử khéo léo, không tự mãn, không quá tự đề cao mình, đồng thời cũng phải là người công dân gương mẫu tôn trọng và chấp hành pháp luật. Thanh niên cần phải am hiểu pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật; không ngừng tuyên truyền, vận động gia đình, người thân chấp hành đúng đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ tư: Tích cực, chủ động nghiêm cứu, học tập, biết sáng tạo, nhạy bén với cái mới, tích cực học hỏi, chủ động hội nhập.

Thứ năm: có tinh thần tự giác, tình nguyện, trách nhiệm trong công việc và giúp đỡ mọi người.

“Mặc dù văn hóa thanh niên là tiểu văn hóa trong hệ thống cấu trúc văn hóa chung, tuy nhiên với những đặc tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, luôn cập nhật, thích ứng với trào lưu và xu hướng mới trong xã hội hiện đại nên những biểu hiện văn hóa, giá trị sống của thanh niên thường mang tính động và ít ổn định. Vì vậy, xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam cần quan tâm đến hệ giá trị của thanh niên- coi đó là một thành tố quan trọng cấu thành hệ giá trị con người Việt Nam”, TS Đặng Vũ Cảnh Linh cho biết.

Theo các chuyên gia, xã hội cần tôn trọng giá trị văn hóa tích cực của thanh niên, đồng thời cũng phải tuyên truyền, định hướng văn hóa, giá trị lành mạnh cho thanh niên. Phải cùng nhau chống lại chủ nghĩa thực dụng, vị kỷ, coi trọng đồng tiền, hành xử bạo lực và các khuôn mẫu lệch chuẩn khác tác động khá nhiều đến nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của thanh niên.

Để hệ giá trị thanh niên toả sáng trong đời sống ảnh 1

Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ cũng là mấu chốt của hệ giá trị thanh niên.

Gia đình, nhà trường, cơ quan, xã hội cũng cần nắm bắt tâm tư, tình cảm, xu hướng văn hóa trong thanh niên, đề xuất những giải pháp cụ thể để quản lý, củng cố môi trường xã hội, củng cố hệ thống các chuẩn mực văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nhân loại, đặc biệt tăng cường nêu gương người tốt, việc tốt và các giá trị, đạo đức xã hội hướng tới phòng, chống nguy cơ lệch chuẩn văn hóa và phản văn hóa cho giới trẻ.

Đặc biệt, giáo dục thanh niên biết tự hào về văn hoá truyền thống, giữ nền nếp gia phong, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, tôn sư trọng đạo, sống có tình có nghĩa. Có được vậy, mới mong sự phát triển toàn diện – găn hệ giá trị thanh niên trong hệ giá trị con người Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để hệ giá trị thanh niên toả sáng trong đời sống