Cô Nguyễn Thị Út cho biết: Đề tham khảo gồm 2 phần: kiến thức (21 câu), bao gồm các chuyên đề: Địa lí tự nhiên, địa lí dân cư, địa lí các ngành kinh tế, địa lí vùng kinh tế; phần kĩ năng địa lí (19 câu), gồm: kĩ năng Atlat, bảng số liệu, biểu đồ.
Các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển đại học. Học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản không khó để đạt điểm 6,7.
Các câu hỏi phân hóa tập trung vào phần Địa lí các ngành kinh tế và các vùng kinh tế. Những câu hỏi phân loại cao khá phức tạp, đòi hỏi học sinh tư duy tốt, có hiểu biết thực tiễn và khả năng phân tích mối liên hệ giữa các đối tượng địa lí tự nhiên và kinh tế - xã hội. Các đáp án dài, nhiều chi tiết dễ gây nhầm lẫn trong việc lựa chọn đáp án chính xác.
Kĩ năng sử dụng Atlat vẫn 15 câu hỏi, ở mức độ nhận biết các đối tượng địa lí và sự phân bố của chúng (3,75 điểm). Kĩ năng làm việc với bảng số liệu và biểu đồ địa lí không có thay đổi, tập trung vào nhận diện biểu đồ, lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp và nhận xét biểu đồ, bảng số liệu, tính toán một số công thức địa lí cơ bản.
Phân tích đề tham khảo, cô Nguyễn Thị Phỉ, giáo viên Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp cho biết: Với phần lý thuyết, đề có 21 câu với nội dung kiến thức ở tất cả bài của chương trình Địa lí 12 (từ bài số 2 đến bài 42, có loại trừ phần học sinh tự đọc, tự làm). Trong số này có 5 câu ở mức độ nhận biết, 8 câu mức độ thông hiểu, 6 ở mức độ vận dụng và 4 câu ở mức độ vận dụng cao.
Với đề tham khảo, giáo viên sẽ có định hướng đúng trong quá trình ôn tập và phân phối thời gian hợp lí cho từng nội dung ôn tập. Thầy cô đồng thời rà soát tình hình nắm kiến thức của học sinh để biết phần nào học sinh còn tiếp thu hạn chế để tăng cường thêm.
Với đề tham khảo này, cô Nguyễn Thị Phỉ khuyên học sinh cần tăng cường rèn luyện các kỹ năng sử dụng Atlat và kỹ năng nhận xét, vì phần này chiếm gần 50% số điểm.