Đề thi môn Ngữ văn có cấu trúc quen thuộc, độ khó rất 'đúng tầm'

Nhóm PV | 07/07/2022, 09:43
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 7/7, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bắt đầu với bài thi Ngữ văn. Theo một số giáo viên, đề có cấu trúc quen thuộc như những năm trước; độ khó rất “đúng tầm”, phù hợp với điều kiện học sinh trong thời gian dài phải học trực tuyến. Tuy nhiên, đề vẫn có câu hỏi phân loại được thí sinh.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Đề thi bảo đảm đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp

Đề thi môn Ngữ văn có cấu trúc quen thuộc, độ khó rất 'đúng tầm' ảnh 2

Cô Đinh Thị Thúy Nga - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Ban Mai-Hà Đông, Hà Nội

Cô Đinh Thị Thúy Nga, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội nhận định: Nhìn chung đề thi Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 bảo đảm đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp.

Đề thi về cơ bản không thay đổi so với mọi năm, cấu trúc đề vẫn gồm có hai phần. Phần Đọc hiểu 3 điểm, phần Làm văn 7 điểm (câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm).

Phần Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi nhỏ. Bốn câu hỏi đọc hiểu đã lần lượt đặt ra yêu cầu theo các mức độ của Nhận biết (câu 1 và 2), nhận biết kết hợp thông hiểu (câu 3), vận dụng và vận dụng cao (câu 4). Đó là các mức độ bám sát cấu trúc đề thi tham khảo, phù hợp với năng lực đọc hiểu của học sinh. Riêng câu 4 là ở mức độ vận dụng cao yêu cầu học sinh phải thể hiện được những cảm nhận về vấn đề được đặt ra trong ngữ liệu đọc hiểu, từ đó vận dụng những trải nghiệm và quan điểm cá nhân để đưa ra suy ngẫm về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ trong xã hội hôm nay.

Phần Làm văn (7 điểm):

Câu 1 (2 điểm) Đoạn văn nghị luận xã hội yêu cầu học sinh nghị luận về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước. Về hình thức, học sinh cần đảm bảo yêu cầu của việc tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ cùng với đó cần kết hợp các thao tác lập luận để làm sáng rõ vấn đề nghị luận.

Về nội dung, học sinh cần giải thích được khái niệm trách nhiệm; phân tích được trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước thế hệ đi trước (biết ơn, kế thừa, phát huy, có ý thức trau dồi kĩ năng, thái độ, phẩm chất tốt đẹp của thế hệ đi trước…); vận dụng những hiểu biết xã hội để chỉ ra những dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp với vấn đề nghị luận; từ đó đưa ra những giải pháp, liên hệ thực tiễn bản thân. Nhìn chung, đề nghị luận xã hội trong đề thi phù hợp với yêu cầu của đề thi tốt nghiệp, với tình hình thực tế trong xã hội ngày nay.

Câu 2 (5 điểm) Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất (5 điểm). Đề yêu cầu học sinh phải vận dụng những kiến thức và kĩ năng làm bài nghị luận văn học để giải quyết vấn đề nghị luận. Yêu cầu của đề bài vẫn bám sát đề thi minh họa. Tuy nhiên đề có điểm mới ở vế phụ, học sinh cần phải liên hệ với hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích đó với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện trước khi rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Khi triển khai bài làm, ở vế chính, học sinh cần có kiến thức vững vàng về tác giả, tác phẩm cũng như đoạn trích để từ đó phân tích chi tiết phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng – biểu tượng cho nghệ thuật, cho cái đẹp. Ở vế phụ, hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi giữa phá tượng trưng cho hiện thực cuộc sống, cho những khó khăn mà con người phải trải qua.

Từ đó, học sinh cần rút ra được thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống (nghệ thuật chân chính luôn bắt nguồn từ cuộc đời và vì con người; khi nhìn cuộc sống, người nghệ sĩ cần có cái nhìn đa chiều để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị ….). Trong quá trình làm bài, học sinh cần kết hợp chỉ ra những giá trị nghệ thuật đặc sắc được sử dụng để làm sáng rõ giá trị nội dung.

Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2022 phù hợp với tình hình học sinh học trực tuyến do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, đề vẫn có tính phân hóa cao ở câu nghị luận văn học, do đó tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học sử dụng kết quả thi cho công tác tuyển sinh.

Hiếu Nguyễn

report

Ngữ liệu của đề thi Ngữ văn được lựa chọn rất hay

Thầy giáo Nguyễn Đình Hòa - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THTP Trần Phú (Đà Nẵng) nhận xét: "Đề năm nay không quá khó nhưng cũng không dễ đạt điểm cao"

Theo thầy Hòa, các câu hỏi có tính phân loại từ đọc hiểu cho đến làm văn. Phần Đọc hiểu, câu 1,2 tương đối dễ nhưng câu 3,4 thì nhiều em sẽ khó đạt điểm tối đa. Câu nghị luận xã hội liên quan trực tiếp đến giới trẻ nhưng yêu cầu đề về "trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước" thì đòi hỏi các em phải có chiều sâu nhận thức, có tinh thần trách nhiệm thì mới viết tốt được. Câu hỏi cũng đánh động về tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ.

Câu nghị luận văn học, theo thầy Nguyễn Đình Hòa thì ngữ liệu được chọn rất hay, thể hiện rõ cảm hứng thế sự và triết lí nhân sinh của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Tuy nhiên câu hỏi phân loại thì học sinh phải nắm vững tác phẩm và cả phong cách của tác giả, có chiêm nghiệm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực đời sống mới viết đầy đủ và sâu sắc

Ánh Ngọc

report

Đề thi Văn nhẹ nhàng, bám sát chương trình đã được tinh giản của Bộ

ThS Hồ Tấn Nguyên Minh (Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên) nhận xét: Về cấu trúc, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2022 được ra theo cấu trúc quen thuộc. Cấu trúc gồm 2 phần: phần đọc hiểu (3 điểm), phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: câu nghị luận xã hội (2 điểm) và câu nghị luận văn học (5 điểm). Đây là cấu trúc ổn định trong những năm gần đây, học sinh đã rất quen thuộc với cấu trúc này nên sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ.

Đề thi môn Ngữ văn có cấu trúc quen thuộc, độ khó rất 'đúng tầm' ảnh 3

ThS Hồ Tấn Nguyên Minh (Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên).

Về độ khó và sự phân hóa, đề thi được ra nhẹ nhàng, chủ yếu ở mức độ cơ bản, bám sát chương trình đã được tinh giản của Bộ GD&ĐT. Phần đọc hiểu ra một đoạn thơ trong “Con đường của những vì sao” của Nguyễn Trọng Tạo và hỏi 4 câu hỏi nhỏ. Hai câu đầu tiên ở mức độ nhận biết, đọc vào thấy ngay câu trả lời, hầu như em nào cũng có thể làm được; câu 3 (mức độ thông hiểu) cũng tương đối nhẹ nhàng; câu 4 (mức độ vận dụng) đòi hỏi học sinh phải suy ngẫm và có óc khái quát thì mới làm bài được.

Phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”. Câu này cũng được ra ở mức độ bình thường, đơn giản, không làm khó học sinh.

Câu nghị luận văn học yêu cầu trình bày cảm nhận về một đoạn văn trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đồng thời liên hệ giữa hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền trong một đoạn khác. Trong hai yêu cầu của câu này, yêu cầu thứ nhất ở mức độ cơ bản, yêu cầu thứ hai ở mức độ cao hơn để phân hóa học sinh. Sự liên hệ giữa hai ý này linh hoạt và có hiệu quả hơn so với đề thi năm trước.

Về dạng câu hỏi, đề thi tập trung vào những dạng câu hỏi quen thuộc, đã từng được ra nhiều lần trong đề thi của các năm trước, chưa thấy có sự đổi mới, sáng tạo gì đáng kể.

Về nội dung đề thi, phần đọc hiểu cho một đoạn trong “Con đường của những vì sao” của Nguyễn Trọng Tạo. Theo tôi đây là một ngữ liệu tốt, giàu ý nghĩa, đảm bảo tốt cho yêu cầu đọc hiểu.

Câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”. Đây là một vấn đề cũ, quá quen thuộc và có vẻ hô khẩu hiệu. Tuy nhiên cũng là một vấn đề có ý nghĩa xã hội thiết thực.

Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh trình bày cảm nhận về một đoạn văn trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đồng thời liên hệ giữa hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền trong một đoạn khác. Đây là một tác phẩm được học trong chương trình, các em đã được học, được ôn tập kĩ nên khá nhẹ nhàng cho các em.

Nhìn chung đề dành cho kì thi năm nay nhẹ nhàng, quen thuộc, phù hợp với một năm học mà một số địa phương học sinh chủ yếu học online do dịch Covid – 19.

ThS Hồ Tấn Nguyên Minh (Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên)

report

Nội dung phân hóa ở câu Nghị luận văn học

Cô Trần Thị Thanh Hoa, giáo viên Trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên Huế nhận định: Đề Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản bám vào kiến thức trọng tâm của chương trình Ngữ văn, đặc biệt kiến thức Ngữ văn 12. Đề ra ở mức độ phù hợp với học sinh.

Phần phân loại thí sinh nằm ở câu Nghị luận văn học, học sinh trên sơ sở phân tích ngữ liệu, rút ra vấn đề mang ý nghĩa chiều sâu. Ở vế 2 của câu Nghị luận văn học, đa số học sinh khá, giỏi nắm chắc và sâu kiến thức mới làm được vì vậy ở vế 2 phân loại được mức độ học sinh.

Nhìn chung: Đề thi cơ bản bám sát dạng đề minh họa của Bộ GD&ĐT, phù hợp với kiến thức học sinh 12 và phù hợp với bối cảnh học sinh trong thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với dạng đề này, đa số học sinh đều đáp ứng được. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên hướng dẫn học sinh học và rèn luyện trên cơ sở dạng đề minh họa.

Hiếu Nguyễn

report

Đề thi Ngữ văn vừa sức

Từng là Tổ trưởng, giáo viên Ngữ văn Trường Nguyễn Văn Hai, Trà Vinh, với kinh nghiệm hơn 30 năm dạy học, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung nhận định: Đề có cấu trúc quen thuộc như những năm trước; độ khó “đúng tầm”, phù hợp với điều kiện học sinh trong thời gian dài phải học trực tuyến. Tuy nhiên, đề vẫn có câu hỏi phân loại được thí sinh, dù tổng thể không khó.

Cụ thể, ở phần Đọc hiểu, những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, chủ yếu kiểm tra kiến thức cơ bản, học sinh có thể dễ dàng trả lời được và “ăn điểm” tuyệt đối của phần này.

Câu 1 trong phần Làm văn khá đơn giản, gắn với vấn đề quen thuộc là trách nhiệm của thế hệ trẻ, học sinh có thể dễ dàng trả lời. Câu 2 phần Làm văn nằm trong nội dung chương trình, nội dung phân loại nằm ở yêu cầu liên hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Nói chung, với đề này, số điểm học sinh dưới trung bình sẽ rất ít. Học sinh học lực trung bình có thể chắc điểm 5; học sinh khá giỏi có thể đạt 8-9,5 điểm.

Hiếu Nguyễn

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/de-thi-mon-ngu-van-co-cau-truc-quen-thuoc-do-kho-rat-dung-tam-post599876.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/de-thi-mon-ngu-van-co-cau-truc-quen-thuoc-do-kho-rat-dung-tam-post599876.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề thi môn Ngữ văn có cấu trúc quen thuộc, độ khó rất 'đúng tầm'