Tỉnh Nam Định vừa đề xuất xây dựng tuyến cao tốc Phủ Lý - Nam Định dài 50 km, quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư 25 km giai đoạn 1 khoảng 9.400 tỷ đồng.
Nam Định kiến nghị Chính phủ cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Giai đoạn 1 xây dựng đoạn từ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tỉnh Hà Nam đến nút giao với quốc lộ 10, TP Nam Định, trong đó đoạn qua tỉnh Hà Nam dài 16,6 km, đoạn qua tỉnh Nam Định 8,5 km. Đường có 4 làn xe hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp 2 bên, đường song hành, đường gom, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 từ nay đến năm 2028 huy động từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Hai tỉnh Nam Định, Hà Nam sẽ bố trí vốn giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc đi qua địa bàn.
Hiện tuyến đường Phủ Lý - TP Nam Định khai thác theo quy mô đường cấp II, 4 làn xe theo hình thức BOT, BT. Sau hơn 10 năm đưa vào khai thác, tuyến này có lưu lượng giao thông tăng cao, khoảng 18.464 xe mỗi ngày đêm.
Theo quy hoạch, cao tốc Phủ Lý - Nam Định dài 50 km, quy mô 4 làn xe, trong đó đoạn Phủ Lý - TP Nam Định, dài 25 km, tiến trình đầu tư trước năm 2030. Bộ Giao thông Vận tải đánh giá nghiên cứu nâng cấp tuyến đường Phủ Lý - TP Nam Định lên quy mô cao tốc theo quy hoạch sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Bộ cũng cho rằng giao UBND tỉnh Nam Định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án là có cơ sở, tương tự như một số tuyến cao tốc đã được Thủ tướng giao các địa phương thực hiện chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, với tổng mức đầu tư khoảng 9.400 tỷ đồng, trung bình suất đầu tư 375 tỷ đồng/km là cao hơn nhiều so với suất đầu tư tuyến cao tốc xây dựng mới được Bộ Xây dựng công bố. Vì vậy, địa phương cần rà soát giải pháp thiết kế, chi phí xây dựng theo quy định hiện hành, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Hiện nay, hai bên đường Phủ Lý - TP Nam Định có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư, các khu du lịch như đền Trần, Phủ Dày - Nam Định, đền Trần Thương, Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường - Nam Định... Trên tuyến đường tồn tại nhiều giao cắt, dễ ùn tắc vào các dịp cao điểm và các ngày cuối tuần, mùa lễ hội.