Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15, Thông tư số 17: “1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; 2. Căn cứ quy định tại văn bản này và các quy định khác có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.”.
Trách nhiệm của Sở GD&ĐT được quy định tại Điều 16 của Thông tư số 17: Sở GD&ĐT là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định này và quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định; tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức phổ biến, thanh tra, kiểm tra về nội dung dạy thêm, học thêm;
Phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm; tổng hợp kết quả thực hiện quản lý dạy thêm, học thêm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ GD&ĐT khi kết thúc năm học hoặc theo yêu cầu đột xuất.
Trên thực tế, nhiều địa phương căn cứ vào các điều còn hiệu lực của Thông tư số 17 đã ban hành các văn bản quy định việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương có hiệu quả, đặc biệt là hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sau khi được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.