"Chúng ta đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, thông qua giải pháp đó thì lượng cung tiền cho nền kinh tế sẽ tốt hơn", đại biểu cho hay.
Đồng thời, chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng một cách thận trọng, xem xét miễn, giảm thuế. Về thuế giá trị gia tăng (VAT), vị ĐQH TP.HCM ủng hộ theo phương hướng mở rộng cho tất cả đối tượng, không nên hạn chế những ngành có độ lan tỏa cao. Bởi, mở rộng chính sách tài khóa là để kích thích nền kinh tế phát triển.
Lý giải về việc tồn dư ngân quỹ lớn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá, khó khăn nhất trong nền kinh tế hiện nay là hạn chế tổng cầu, trong khi cơ cấu hình thành lên tổng cầu là tiêu dùng xã hội, đầu tư tư nhân, tiêu dùng Chính phủ, xuất nhập khẩu…
"Để kinh tế phát triển thì phải làm cho đầu tư tư nhân, tiêu dùng xã hội tăng lên, tức là phải có cơ chế chính sách, môi trường đất đai… Khi đầu tư công được giải ngân sẽ thúc đẩy cho kinh tế xã hội phát triển, các ngành nghề đều được thụ hưởng, dẫn dắt đầu tư tư nhân", Bộ trưởng nhận định.
Theo Bộ trưởng, do tắc nghẽn giải ngân đầu tư công, nên Bộ Tài chính phải gửi số tiền này của Kho bạc Nhà nước vào Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0,8% một năm. Luật Đầu tư công quy định, có tiền mới được lập dự án, có dự án mới được bố trí tiền, do đó, vốn phải chờ công trình, nên không giải ngân được.
Nói thêm, Bộ trưởng nhấn mạnh, để giải ngân được phải hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư nhưng hiện nay đang vướng mắc. Khâu chuẩn bị đầu tư quá lâu do vốn phải chờ công trình, khiến khoản tiền chuẩn bị cho giải ngân, quyết toán như "cục máu đông". Về giải pháp, phải dùng 1 luật để sửa nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư công.