"Các tuyến cao tốc phân kỳ chưa đảm bảo an toàn thì không thể ép khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc. Thay vào đó, cần triển khai các biện pháp như hạn chế phương tiện, hạ tốc độ", thượng tá Hòa nói.
Không phủ nhận nhiều vụ tai nạn trên cao tốc có nguyên nhân tiêu chuẩn tuyến đường, song ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định chủ yếu là người tham gia giao thông thiếu kiến thức, kỹ năng và ý thức. "Trong hai vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vừa rồi, tài xế vượt ẩu, dừng xe không đặt biển cảnh báo. Với ý thức như thế, dù đường có đúng tiêu chuẩn 6 làn thì vẫn xảy ra tai nạn", ông Hùng nói.
Cả nước hiện có gần 1.900 km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn một, 5 dự án mới có hai làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.
Sau hai vụ tai nạn giao thông khiến 5 người chết trong một tháng qua trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc cấm vượt ở hầu hết tuyến đường hai làn xe khiến năng lực thông hành chỉ đạt 60%. Ngoài ra, cấm vượt trong đoạn đường dài gây ức chế cho người lái khi phải đi tốc độ thấp, nhất là đi sau xe tải tốc độ khoảng 50 km/h, không thể vượt trong khi làn đối diện vắng xe. Điều này dẫn đến khả năng lái xe bất chấp nguy hiểm hoặc phạm luật để vượt.
Tiếp thu ý kiến, đơn vị quản lý cao tốc sẽ điều chỉnh vạch sơn tim đường, cho phép vượt xe tại nhiều đoạn hai làn trên tuyến đường này. Cục Đường bộ Việt Nam cũng xem xét phương án cấm xe khách, xe tải nặng chạy tốc độ thấp đi vào cao tốc.