Theo lãnh đạo TP HCM, cách làm trên tương tự như dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô. Đây là trục đường dài hơn 112 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, tuyến chính là một dự án chung triển khai theo hình thức BOT. Phần giải phóng mặt bằng và xây đường song hành chia làm các dự án thành phần do địa phương triển khai.
TS Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý Công nghiệp, thuộc Đại học Bách Khoa TP HCM, cho rằng gộp Vành đai 4 TP HCM thành dự án lớn sẽ đảm bảo đồng bộ, tiến độ, thu hút nhà đầu tư lớn tham gia và loại bỏ những đơn vị yếu. Tuy nhiên, so với Vành đai 4 Hà Nội, dự án ở phía Nam dài gần gấp đôi, nên kinh phí đầu tư rất lớn. Đây sẽ là thách thức trong việc tìm nhà đầu tư năng lực cao, tài chính mạnh. Do vậy, theo ông có thể nghiên cứu chia thành hai dự án BOT để thuận lợi triển khai.
Theo kế hoạch, quý 1 năm nay báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 TP HCM sẽ được hoàn tất làm cơ sở trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương. Sau khi lựa chọn nhà đầu tư, công trình dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành sau 3 năm. Khi đưa vào khai thác, dự án giúp tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối các cao tốc, quốc lộ, sân bay... góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng.
Khu vực TP HCM được quy hoạch bao quanh bởi ba tuyến vành đai, giúp giảm ùn tắc nội thành và liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài Vành đai 4, tuyến vành đai 3 đi qua thành phố và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, dài hơn 76 km, đang được triển khai với kế hoạch hoàn thành năm 2026. Riêng Vành đai 2 nằm trọn trong địa phận TP HCM, dài khoảng 64 km, còn một số đoạn chuẩn bị được đầu tư khép kín.