Theo TS Thuỷ, đề xuất trừ điểm GPLX sẽ đánh giá “lịch sử” của người lái xe, nếu tài xế bị trừ điểm tức là họ yếu kém, nếu yếu kém thì phải thi lại bằng hoặc phải học luật giao thông. Làm sao phải công khai, minh bạch để người tham gia giao thông thấy mình đang ở đâu để điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm cũng phải công khai minh bạch. Mọi hành vi vi phạm được giám sát xử lý kịp thời, nghiêm minh thì việc tính điểm giấy phép lái xe mới phát huy hiệu quả.
Cũng ủng hộ đề xuất này, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước chứ không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Bởi vì thực tế có nhiều người liên tục vi phạm luật giao thông trong một thời gian ngắn nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Do đó, việc trừ điểm trên GPLX là hợp lý, nên bổ sung nội dung này vào Dự thảo Luật.
Tuy nhiên, ông Tạo bày tỏ băn khoăn với cách tính, phục hồi 12 điểm trên GPLX trong thời gian 1 năm. Ông Tạo lo ngại, quy định phục hồi điểm trong 1 năm có thể hạn chế sức răn đe đối với tài xế vi phạm.
“Gần hết năm, nếu tài xế vi phạm đã bị trừ 9 điểm rồi họ sẽ cất GPLX ở nhà, không lái nữa, chờ năm mới, được phục hồi 12 điểm sẽ sử dụng tiếp”, ông Tạo nêu ví dụ.
Ông Tạo cho biết, ở nước ngoài, mỗi GPLX sẽ được quy định tương ứng với số điểm cụ thể. Mỗi điểm bị trừ tương ứng với các lỗi được quy định như: vượt đèn đỏ, đi lấn làn, chạy quá tốc độ… Sau một thời gian, nếu tài xế không tái phạm thì số điểm sẽ được quay về như cũ. Nếu tiếp tục tái phạm với tần suất, mức độ nhiều hơn, nguy hiểm hơn thì có thể bị trừ hết điểm, lúc đó sẽ bị thu bằng.
"Hệ thống tính điểm GPLX của Đức quy định rõ ràng, đưa ra các hành vi nặng, nhẹ khác nhau, thời gian xóa lỗi khác nhau. Tài xế vi phạm lỗi nặng sẽ có thời gian được xoá lỗi lâu hơn. Làm như vậy, mới đủ sức răn đe tài xế, buộc người tham gia giao thông phải cố gắng, không vi phạm." - ông Tạo nói.
Các nước tính điểm GPLX như thế nào? Trên thế giới, rất nhiều quốc gia như Đức, Nhật, Anh, Trung Quốc đã áp dụng hệ thống điểm phạt, với các cách thức khác nhau. Tại Nhật Bản, vi phạm giao thông sẽ phải tích điểm vi phạm và nộp phạt. Những vi phạm này có thể khiến tài xế mất nhiều thời gian để xin gia hạn giấy phép; bị đình chỉ, thu hồi giấy phép. Hồ sơ lái xe càng đẹp thì bạn càng tích lũy được nhiều điểm để hạn chế bị phạt nặng. Ví dụ, một tài xế lái xe tình trạng say xỉn với nồng độ cồn trong máu dưới mức 0,25 sẽ không bị thu hồi giấy phép trong một năm nếu trước đó chưa từng vi phạm bất kỳ lỗi nào. Thay vào đó, tài xế sẽ bị đình chỉ lái xe trong 90 ngày, cho phép người lái xe giữ bằng. Tuy nhiên, với tình huống tương tự, tài xế sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe ngay lập tức nếu trước đó đã bị trừ 5 - 6 điểm vì các lỗi vi phạm giao thông. Tài xế sẽ bị cấm gia hạn giấy phép lái xe của mình trong tối thiểu một năm trở lên trước khi tham gia lại toàn bộ bài kiểm tra và các khóa học lái xe. Tại Đức, điểm phạt với tài xế sẽ được tích lũy vào hồ sơ điện tử cho mỗi lần vi phạm giao thông. Theo thời gian, điểm phạt sẽ bị hủy. Tuy nhiên, khi tích lũy 5 điểm phạt, tài xế sẽ phải tham gia một buổi đào tạo tại trường dạy lái xe với chi phí 300–400 euro. Đối với 6 điểm phạt, người lái xe sẽ bị cấm lái xe tạm thời. Tài xế sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe nếu tích lũy 8 điểm phạt. Đỗ Tuấn (Theo Visitworld/Realestate-tokyo) |