Việt Anh, Thành Chung và Thanh Bình chơi khá chắc chắn trong 15 phút cuối của trận giao hữu với Philippines. Ảnh: Trương Hiếu. |
Trước khi HLV Park Hang-seo ký hợp đồng với VFF, tuyển Việt Nam chủ yếu sử dụng sơ đồ 4 hậu vệ truyền thống, từ những chiến lược gia ngoại như Henrique Calisto, Alfred Riedl, Toshiya Miura cho đến các HLV nội như Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hữu Thắng.
Đến khi HLV Park nắm quyền, tuyển Việt Nam chuyển sang sơ đồ 3 trung vệ. Từ đó, bóng đá Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới. Vì thế, chiến lược gia người Hàn Quốc luôn coi trọng bộ 3 trung vệ và thường xuyên sử dụng những quân bài ông tin tưởng nhất.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, HLV Park Hang-seo cũng cần sự mới mẻ cũng như thử nghiệm để đưa ra những tính toán chiến thuật. Trận gặp Myanmar là thời điểm phù hợp để làm điều đó.
Trong 5 năm dẫn dắt tuyển Việt Nam, HLV Park tin tưởng nhất ở 4 trung vệ: Quế Ngọc Hải, Trần Đình Trọng, Đỗ Duy Mạnh và Bùi Tiến Dũng. Trong đó, Đình Trọng, Duy Mạnh và Tiến Dũng đồng hành với ông từ vòng chung kết U23 châu Á 2018, giải đấu mà U23 lên ngôi á quân. Đội hình ra sân của tuyển Việt Nam thường xuyên có ít nhất 2 trong số 4 trung vệ này.
Ở trận giao hữu với Philippines, người hâm mộ được chứng kiến tuyển Việt Nam chơi với 3 trung vệ gồm Nguyễn Thành Chung (giữa), Bùi Hoàng Việt Anh (lệch trái) và Nguyễn Thanh Bình (lệch phải). Tuy nhiên, họ chỉ chơi cạnh nhau 15 phút và chừng đó là không đủ để họ có sự gắn kết. Vì thế, bộ 3 này cần được trao nhiều cơ hội thi đấu cùng nhau hơn. Và trong số này, chỉ có Thành Chung chen chân được vào đội hình chính của tuyển Việt Nam.
Xét về mặt phong độ, Thành Chung, Việt Anh và Thanh Bình đều xứng đáng được trao cơ hội. Ở V.League 2022, Thành Chung và Việt Anh mới là cặp trung vệ chính của CLB Hà Nội. Họ có lần lượt 22 và 21 lần ra sân cho nhà đương kim vô địch. Trong khi đó, Thanh Bình cũng chơi 22 trận ở V.League cho CLB Viettel và gánh vác hàng thủ đội bóng quân đội khi Bùi Tiến Dũng vắng mặt vì chấn thương.
Lúc này, Quế Ngọc Hải dính chấn thương, phải tập riêng với bác sĩ Choi Ju-yong. Bùi Tiến Dũng cũng chưa đạt thể trạng hoàn hảo sau khi mắc Covid-19. Và nếu HLV Park sử dụng bộ 3 trung vệ mới, ông có thể hoàn toàn yên tâm.
Thanh Bình và Việt Anh cũng từng chơi rất tốt cạnh nhau ở SEA Games 31 lẫn vòng chung kết U23 châu Á 2022. Ảnh: AFC. |
Vậy vì sao Myanmar lại là đối thủ phù hợp để thử nghiệm?
Sau 3 lượt đấu Myanmar có một điểm và đã bị loại. Khi không còn gì để mất, Myanmar sẽ không cần phải phòng ngự số đông như cách Singapore đã làm nhằm giành điểm trước Việt Nam. Myanmar nhiều khả năng sẵn sàng dâng cao để tìm kiếm bàn thắng. HLV Antoine Hey cũng khẳng định Myanmar sẽ thi đấu cống hiến. Khi đối thủ tổ chức tấn công, hàng thủ tuyển Việt Nam, đặc biệt là bộ 3 trung vệ mới, sẽ được kiểm tra khả năng kết nối, bọc lót cho nhau.
Chính HLV Park cũng dành lời khen cho Myanmar: "Myanmar có đặc trưng kỹ thuật tốt. Nếu để đối thủ thoải mái, họ sẽ đá rất hay. Tuyển Myanmar đá ngắn, phối hợp cự li hẹp tốt và phản công nhanh". Vì thế, có thể tin rằng Myanmar là bài kiểm tra phù hợp với bộ 3 trung vệ mới.
Ở chiều ngược lại, tuyển Việt Nam cũng đặt mục tiêu giành chiến thắng để nắm chắc ngôi đầu bảng cũng như tạo sự hứng khởi cho lượt trận bán kết. Do đó, đoàn quân của HLV Park cũng phải chơi tấn công một cách mạch lạc, hiệu quả.
Lúc này, bộ 3 trung vệ với cần phải thể hiện được khả năng chuyền bóng, tổ chức tấn công. Đó là những tình huống phất bóng ra hai biên cho hậu vệ như Quế Ngọc Hải thường làm, chuyền xuyên tuyến như Đỗ Duy Mạnh hay thả bóng ra sau lưng hàng hậu vệ đối thủ như Bùi Tiến Dũng.
Myanmar rõ ràng là đối thủ không xứng tầm với tuyển Việt Nam nhưng cuộc đối đầu đội bóng này là bài thử nghiệm phù hợp. Bởi lẽ, mục tiêu của thầy trò HLV Park là chức vô địch. Và một trong những yếu tố nhà vô địch phải có là sự linh hoạt trong chiến thuật và nhân sự. Vì thế, Thành Chung, Việt Anh và Thanh Bình hoàn toàn có cơ hội chơi cùng nhau để tăng sự kết nối giữa họ lẫn các đồng đội khác.