Có điều, mong muốn chỉ là mong muốn, chữ “nhưng” tựa như một lời phản tỉnh của lí trí, việc đất thấp lên với trời cao, trời cao được gần đất thấp không bao giờ thành hiện thực được.
Chân lí ấy được nhà thơ đúc kết: “Muôn thuở trời và đất. Luôn ở cách xa nhau”. Không thể nào đổi khác được, vũ trụ muôn đời vĩnh hằng, trời cao đất thấp mãi vời vợi cách xa.
Nếu dừng lại tám câu đầu, bài thơ không có gì để bàn, để ngẫm. Hai câu kết đã xoay chuyển cục diện, nâng tầm ý thơ. Thì ra, tác giả mượn chuyện đất, chuyện trời để nói chuyện đời và chuyện người. Trời đất xa nhau, chỉ có người được gần nhau, chung sống trong cõi nhân gian.
Từ chuyện không thể, nhà thơ chuyển sang chuyện “có thể” vô cùng tinh tế và rất đỗi tự nhiên. Sức nặng của ý thơ gửi trọn trong hai từ “có thể” mang hàm nghĩa giả định, chỉ “có thể” thôi, còn thực tế con người sống với nhau ghét yêu, hay dở thế nào phải tự mình kiến tạo, vun đắp.
Chữ “Gần nhau” trong câu thơ đúng nghĩa phải là sự quan tâm, yêu thương, kết nối sẻ chia trong cộng đồng đoàn kết thân ái. Song, ước muốn cao đẹp đó đâu dễ thực hiện một khi lối sống vô cảm, vị kỉ vẫn đang hiển hiện trong xã hội hôm nay.
Mượn chuyện trời đất, gửi gắm chuyện con người. Bài thơ sâu sắc, giản dị rung lên trong ta hồi chuông thức tỉnh: Hãy sống yêu thương và lan tỏa yêu thương. Đây là cách tốt nhất giúp người với người có thể chung sống an vui, hạnh phúc.