“Giờ cha hương khói về trời
Giật mình đêm trắng con ngồi trơ trơ”.
Khi cha đã về với đất trời muôn thuở, nhà thơ mới bất giác nhận ra mình chưa bao giờ viết một câu thơ nào về cha. Phải chăng, anh bật dậy khi đang lửng lơ trong giấc chiêm bao? Hay trong lúc ngồi thơ thẩn trong đêm khuya thanh vắng, chợt nhiên hình bóng cha đã nhắc nhở anh. Rồi anh sững sờ. Có lẽ khi ấy, đôi mắt anh nhìn vào đêm tối và mãi chẳng chớp. Anh chẳng còn bị tác động bởi ngoại cảnh mà điều quan tâm duy nhất của anh là cha. Anh trăn trở, dằn vặt khôn nguôi.
Ảnh minh họa ITN. |
Điều ấy rõ ràng thể hiện trong khổ thơ tiếp theo:
“Đời cha xuống ruộng lên bờ
Phận con gồng gánh câu thơ bọt bèo
Cha giờ về cõi trong veo
Con còn lầm lũi lưng đèo… Phù Vân”
Anh “ngồi trơ trơ” trong đêm vắng là để nghĩ về cuộc đời cơ cực, nhọc nhằn của cha mình. Không kể lể lôi thôi, không dài dòng văn tự, nhưng “xuống ruộng lên bờ” đã thể hiện bao nỗi gian truân trong suốt cuộc đời mà người con mang ơn nặng như núi Thái.
Và ở đó, ta cũng thấy được sự băn khoăn, ăn năn của nhân vật trữ tình. Đã có lần anh bị cha mắng là “Đồ ngớ ngẩn, thằng nắng mưa thất thường” , cũng vì cái bệnh thơ thơ thẩn thẩn ấy. Đời cha lam lũ để có miếng ăn. Còn con, dù biết rằng “Cơm áo không đùa với khách thơ”, nhưng vẫn chạy theo những câu thơ “bọt bèo”.
Phải rồi, “xuống ruộng lên bờ” tuy cay đắng, nhưng cũng có chỗ để xuống, có chỗ để lên. Còn bọt bèo thì cứ lênh đênh trôi mãi vô bến vô bờ, và hợp tan chẳng biết được lúc nào. Đến khi cuộc đời cha khép lại, ông cụ thân sinh hoàn thành sứ mệnh của thượng đế và “về cõi trong veo”, thì người con vẫn còn lặng lẽ ở “lưng đèo… Phù Vân”.
Cha đã về đến nơi, còn anh thì vẫn đi trên đường đèo Phù Vân, và còn chờ đi đến đỉnh đèo. Mà con đường anh đang đi ấy gắn liền với văn chương. Đó là con đường văn chương đầy nhọc nhằn, hun hút như anh đi trong hư ảo, phù du của cuộc người. Từ “lưng đèo” tôi cho là rất hay. Vì nếu ở chân đèo là điểm xuất phát thì chẳng có gì đáng để bàn. Nhưng ở “lưng đèo” có nghĩa là anh đã đi được một nửa đường rồi, và anh còn cần đi tiếp để đến đỉnh đèo.
Hai tiếng “Cha ơi” thốt lên trong bài thơ được nén lại từ những lời yêu thương. Đó là tiếng gọi mở đầu và kết thúc thi phẩm. Đó là tiếng gọi thân thương, chân thành nhất, mà có thể đôi khi cha còn trên dương thế chưa từng được nghe. Có lẽ sợ cha trách mình, nên:
“Cha ơi, dù chỉ một lần
Cho con thơ khóc bên phần mộ cha”.
Cụm từ “dù chỉ một lần” đã cho thấy rõ ràng điều đó. Từ “con thơ” cũng là từ mà tôi thấy rất đắc trong câu thơ cuối. Với cha mẹ, con cái bao giờ cũng là đứa trẻ cần bảo bọc. Mà trong tác phẩm này, thì tác giả cũng tự xem mình là đứa trẻ thơ. Có lẽ đó là niềm luyến tiếc, tác giả cho rằng mình vẫn cần sự che chở của người cha. Nhưng tạo hóa thì không ưng thuận điều đó.
Và cũng tại câu thơ cuối, mọi niềm thương nỗi nhớ, những xót xa và trăn trở đã tuôn chảy thành dòng. Đó là những dòng nước mắt khóc cha. Và dĩ nhiên, đó không là những dòng nước mắt tiễn đưa. Giọt nước mắt đã thay cho những lời ai điếu mà tiếng nấc nghẹn đã chặn lại, tác giả không thể thốt ra trước và sau tiếng gọi “Cha ơi”.
Những vần thơ mộc mạc, chân chất mà ý tình đọng lại trong từng chữ một, rồi đánh động đến trái tim của người đọc. Ôi làm sao có thể hờ hững với cha mình nữa khi gặp những vần thơ quá đỗi xúc động như thế này.
Lục bát là sở trường của nhà thơ Hà Huy Hoàng. Tuy không cách điệu, câu chữ không bóng bẩy, nhưng “Khóc cha” lại là lời nhắc nhở về tình phụ tử. Cũng chính điều đó đã khiến cho bài thơ trở nên gần gũi và dễ đi vào lòng người như những lời mà nhà thơ Thanh Thảo đã nhận xét về thơ lục bát của Hà Huy Hoàng: “…nhà thơ, đừng khoe chữ, đừng khoe khôn khoe khéo, nhà thơ, chỉ cần trải được lòng mình bằng thơ, tìm được dăm ba người đọc đồng cảm, đồng điệu, đồng tình với mình, thế là xong”. Và với điều đó, tôi tin rằng khi đọc những vần thơ này, ai cũng sẽ rưng rưng rồi bất chợt trong lòng cũng thầm gọi: “Cha ơi!”.