Văn hóa

Địa đạo Củ Chi: Trải nghiệm để tự hào

28/04/2025 19:30

Sau 10 năm, chúng tôi trở lại địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), trẻ nhỏ lớn bổng, người lớn mái tóc pha sương.

Chỉ những đoạn đường hầm nằm sâu trong lòng đất suốt hơn nửa thế kỷ qua là vẫn bền vững với thời gian, ngày ngày đón bao bước chân đến trải nghiệm để tự hào…

Giao hòa xưa - nay

5 giờ sáng phải thức dậy để soạn sửa ra đường Pasteur (Quận 1) đón chuyến buýt 04 đối với những thanh niên đang tuổi ăn, tuổi ngủ thường không dễ dàng. Ấy vậy, các chàng trai không những thức dậy đúng giờ mà còn háo hức rảo bước trong những nhắc nhớ, so sánh và tra cứu.

Giống như 10 năm trước vào TP Hồ Chí Minh cùng quyết tâm đi thêm hơn 60 km để về với “đất thép thành đồng”, chúng cũng phải “đu đưa” hơn 2 tiếng. Là vì phải sau 3 lần đổi buýt, bắt đầu từ tuyến 04 đến bến xe An Sương là sang 74 để về bến xe Củ Chi rồi chạy tiếp 79 thì mới đến được khu địa đạo Bến Dược (ấp Phú Hiệp, Phú Mỹ Hưng).

Có điều, ngày ấy, những tuyến buýt thường mở toang cửa kính nhỏ, đón gió cuốn theo bụi đất ùa vào còn giờ thì kín bưng với máy lạnh. Quãng đường từ bến xe Củ Chi trở vào khi đó chẳng lúc nào yên ả, không ngừng xóc nảy người bởi ổ gà chi chít…

Những điều này giờ lại hiển hiện phần nhiều ở chặng nội đô bởi xe cộ chen kín, đường vá víu; chứ đến buýt 79 mát lạnh thì rất vắng khách, bon bon chạy êm ru trên con đường mang tên Nguyễn Thị Rành được trải nhựa phẳng lì và hai bên rực rỡ sắc hoa vàng.

Ngày trước không có điện thoại thông minh nên bọn trẻ bận hóng chuyện các bà, các chị quá giang xuôi về bến Dược lao xao chuyện trò, dù có những câu chẳng thể nghe rõ nhưng vẫn vểnh tai vì “âm điệu thật dễ thương”.

Giờ, xe vắng lặng, chúng quay ra bật smart phone tra cứu và tự hào “truyền tin”: Con đường hoa vàng mang tên Nguyễn Thị Rành (1900 - 1979) là nữ du kích Củ Chi, thường được biết đến với những tên gọi như “Má Tám Trầu”, “Bà má Củ Chi”, “Bà má dũng sĩ”. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà là dân quân, đào hầm nuôi giấu hàng trăm cán bộ, cất giấu vũ khí, tiếp tế cho du kích, động viên con cháu vào bộ đội.

Bà từng bị địch bắt và tra tấn dã man, giam lỏng trong nhiều ngày vì chúng muốn gây sức ép, buộc các con trai của bà ra đầu hàng, nhưng không thu được kết quả gì nên đành thả tự do. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bà có 8 con trai và 2 cháu là liệt sĩ.

Năm 1978, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và năm 1994 truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cứ thế dõi theo, mắt chữ A, mồm chữ O, đứa nào đứa nấy không ngớt trầm trồ về nữ du kích năm xưa, nhất là sự can trường của một người mẹ, người bà trước những mất mát, hy sinh lớn lao không thể đo đếm được.

Chuyện chỉ ngừng khi được bác tài nhắc đã đến điểm dừng vào khu địa đạo Bến Dược. Tiếp tục không chọn thuê xe điện chạy với lý do lúc bé tí còn bộ hành được giờ sao lại không?

Thế là, các thanh niên thư thái ôn lại những bước chân lon ton trên con đường xanh mát uốn lượn dẫn vào phía rừng xanh và mừng vui khi bắt gặp chút thay đổi nho nhỏ khi quang cảnh thêm phần rực rỡ với vườn hoa khoe sắc, chong chóng chạy dài, cổng chào hân hoan mừng 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Tới ngã rẽ: Xuống địa đạo hay vào khu trải nghiệm? Không một giây chần chừ, nhóm quặt trái cùng lời giải thích: “Xem phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” có những cảnh trong lòng địa đạo chỉ là được dựng mô phỏng mà đã thấy bí bích, ngột ngạt đến tức thở. Vậy còn thực tế thế nào đây? Nhanh chân lên thôi…”.

Tất nhiên, trước khi bước vào lối mòn dẫn đến những đoạn địa đạo được ban quản lý di tích trùng tu, khai thác, chúng không quên ghé tới mấy lán trưng bày một số hiện vật như đạn pháo, bom MK 82, bom bi, ống phóng rocket, các loại súng… Dù vỏ ngoài đen sạm, bị gỉ theo thời gian nhưng đó là những nhân chứng chân thực góp phần tố cáo sự tàn khốc của chiến tranh.

Riêng lán phía cuối còn treo một số tấm hình đen trắng, trong đó có hình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực, khiến các chàng trai cùng reo lên: “Vậy là, được gặp ảnh của nguyên mẫu nhân vật Tư Đạp trong phim “Địa đạo”. Ngày ấy nhìn ông thật đẹp trai, béo khỏe hơn cả diễn viên Quang Tuấn hóa thân trong phim.

Ông là người chế tạo ra mìn gạt hoạt động theo nguyên lý “cứ gạt ngang là nổ”, có vỏ bằng lon sữa, cắm cành cây vừa để ngụy trang vừa là “công tắc” nổ, do chính ông chế tạo ra. Từ sáng kiến này mà ông được mệnh danh “anh hùng mìn gạt”, sau đó cùng đơn vị lập nhiều chiến công, đạt được cả 2 danh hiệu: Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ diệt Mỹ.

dia-dao-cu-chi-trai-nghiem-de-tu-hao-4.jpg
Học sinh Trường THCS Hòa Phú (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) tham quan khu trưng bày các loại chông mà du kích Củ Chi từng sử dụng để chiến đấu với quân đội Mỹ. Ảnh: Bình Thanh.

Thật diệu kỳ!

Từ vạt rừng phía trước vọng lại những tiếng cười nói của học trò giục bước. Thì ra, học sinh Trường THCS Hòa Phú (Củ Chi) đang đứng dưới những tán lá mát rượi chờ người hướng dẫn mang trang phục màu xanh áo lính dẫn lối trải nghiệm. Điểm địa đạo đầu tiên chỉ chừng vài mét, không quá sâu và có ánh sáng le lói.

Người thấp nhỏ vẫn có thể lom khom còn người cao lớn thì chỉ còn cách ngồi xổm mà… bước. Đám học trò hiếu động lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt nhanh chân tranh tiến vào. Nhưng rồi tất cả dần trật tự cho đến nín thít mà nối nhau dịch chuyển. Càng vào sâu thì những thì thào của tiếng nói, phì phò của tiếng thở càng nhiều.

Nhất là đến quãng giữa gặp khúc quẹo mờ tối không khỏi có đứa giật mình và thốt lên sao mà bí bích thế. Ra đến đầu bên kia, đứa nào đứa nấy thở phào vì đã có thể “chinh phục” được địa đạo song không nghĩ đến việc sẽ tiếp tục xuyên qua những đoạn sau.

“Đoạn địa đạo đầu tiên không dài nhưng chúng con cảm thấy ngột ngạt, bí bích thậm chí có cả cảm giác sờ sợ. Vậy nên, để đảm bảo an toàn, chúng con không xuống những địa đạo sau. Đối với con, địa đạo Củ Chi như một câu chuyện thần thoại có thực. Có thực là hệ thống của nó hiển hiện nguyên vẹn, và con đã được bước vào đó.

Thần thoại bởi không thể tin được vì sao ở sâu dưới lòng đất tối, du kích Củ Chi không chỉ sinh tồn thiếu thốn, gian khổ trăm bề mà còn phải chiến đấu với quân đội Mỹ có vũ khí hiện đại, đêm ngày điên cuồng lùng sục, cày xới, tìm - diệt. Thật là diệu kỳ!”, Minh Nhật bày tỏ.

Thực ra, không riêng gì với những học trò Hòa Phú mà cảm giác này đã từng có đối với những cậu bé từ Hà Nội lần đầu đến đây, hồi 10 năm trước. Ban đầu cũng hào hứng xuống địa đạo nhưng sau lượt đầu là… “tim đập, chân run”, chỉ tham quan phía ngoài. Nhưng giờ đã tuổi 15, 19 nên ai cũng sẵn sàng.

Qua đường hầm đầu tiên – thật dễ dàng, các thành niên vừa dịch chuyển vừa… huýt sáo trầm trồ về sự kỳ lạ của vách địa đạo cứng như bê tông, không hề bị sụt lở. Người hướng dẫn thông tin các đoạn địa đạo dành cho khách tham quan có được tu bổ lại trên bản gốc nhưng nếu chất đất không bền như khối xi măng thì chắc chắn rằng các vách này đã bị sạt, sập.

dia-dao-cu-chi-trai-nghiem-de-tu-hao-3.jpg
Vượt hầm địa đạo là trải nghiệm không thể quên. Ảnh: Bình Thanh.

Điều này đã được Giáo sư Kenneth R Olson khẳng định khi ông đến Củ Chi nghiên cứu về địa chất cho rằng, sở dĩ hệ thống địa đạo dài hơn 200 km này vững vàng là nhờ kết cấu tự nhiên và thành phần của tầng đất phù sa cổ. Đất hầm chủ yếu là đất sét không kết tinh, còn lại là cát và bùn.

“Điều này có nghĩa là hàm lượng sắt đóng vai trò như một chất kết dính. Khi khô lại, đất chắc như bê tông và không bị thấm nước. Ở chỗ gần mạch nước ngầm, đất có hàm lượng sắt cao hơn, tạo ra các lớp sỏi và đá ong”, theo công bố của GS Kenneth.

Sang hầm thứ 2, những bàn luận vẫn rổn rảng trong bóng tối. Nhưng đến hầm thứ 3 thì có phần ngần ngừ khi nghe lời giới thiệu của hướng dẫn viên về độ dài tới vài chục mét và cần có sức khỏe ổn định thì hẵng trải nghiệm.

Song, điều đó chỉ xảy ra trong giây lát và cả nhóm lại khom xuống để bước vào thử thách đặc biệt nhất này. Quả là, đường địa đạo này dốc, hẹp, không có hệ thống chiếu sáng, có đoạn phải nghiêng người mà bò thậm chí chỉ có thể lết. Mồ hôi cứ thế ròng ròng tuôn không ngừng.

Nhịp thở nhanh và mạnh hơn, hòa cùng tiếng máy thông gió bền bỉ ầm ì sâu trong lòng đất vọng lại khi phải đi sâu xuống dưới hoặc lách mình qua những đoạn rất hẹp. Dù phải ngồi bệt, khom lưng để nghỉ giải lao nhưng không ai bỏ cuộc hay có ý định quay trở lại mà tay vẫn bám chặt vào nền đất đầy quyết tâm.

Giữa chừng có một lối ngoặt le lói ánh sáng, báo hiệu đi theo hướng đó sẽ là đường lên nhưng các thanh niên lắc đầu, rồi đồng lòng: Đây mới chỉ là một đoạn đường dẫn, sâu chưa là bao. Ngày trước, các cụ còn ở trong hệ thống địa đạo 3 tầng có độ sâu đến cả chục mét trong thời gian dài để sinh tồn và chiến đấu với quân đội Mỹ kia mà.

Vậy nên, cần tiến tiếp và chinh phục hết quãng đường dẫn này… Cuối cùng, chặng địa đạo dài nhất ở khu vực này cũng được chinh phục. Niềm vui vỡ òa. Đón ngay phía trên là những cặp mắt ánh lên bao sự hâm mộ, cảm phục của các cô cậu học trò. Đến bật cười khi đám ấy thi nhau nói tiếng Anh chào hỏi, vì cứ nghĩ chỉ người nước ngoài thì mới dám trải nghiệm cả đoạn địa đạo dài, sâu, tối nhất như thế.

Chúng còn vặn: “Người Việt Nam mà to gan thế ư?” để được nhận lời đáp không kém phần hãnh diện: “Sao cứ phải là người nước ngoài mà lại không thể là người Việt Nam trải nghiệm với địa đạo kia chứ? Có chút mạo hiểm nhưng nếu sức khỏe tốt cộng với ý chí vững vàng thì vẫn có thể. Lần sau nhớ đừng bỏ lỡ cơ hội này để hiểu hơn về địa đạo, thán phục hơn về du kích Củ Chi nhé!”.

Khi đã có thể vượt qua đoạn địa đạo dài và sâu nhất thì đương nhiên với các đoạn khác thật nhẹ nhàng để mà cảm nhận thật nhiều về cuộc sống, sự chiến đấu ở nơi đây. Đó là hầm quân y, hầm thư ký tư lệnh, hầm nghỉ ngơi làm việc của chính ủy, … Nhất là, sau những lui cui bước… ngồi qua đoạn địa đạo khá dài, mọi người đều ngỡ ngàng khi bỗng dưng được đứng thẳng trong một gian phòng khá rộng.

dia-dao-cu-chi-trai-nghiem-de-tu-hao-2.jpg
Đạn pháo bị phủ màu gỉ sét trưng bày ở khu di tích địa đạo Củ Chi. Ảnh: Bình Thanh

Bỗng đâu, ánh đèn pin bật sáng, người hướng dẫn lên tiếng giải thích thường phòng họp bộ tư lệnh này có bóng điện chiếu sáng nhưng nay bị hỏng, chưa kịp khắc phục. Dẫu vậy, mọi người đều cho rằng đây là trải nghiệm đặc biệt.

Qua ánh đèn pin rọi sáng vẫn có thể ngắm nhìn và chụp hình cùng cờ giải phóng trong những cảm xúc không thể quên, từ đó thêm hiểu tinh thần kháng chiến quật khởi, không kẻ thù nào có thể khuất phục của du kích Củ Chi nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Đặc biệt thế hệ trẻ còn được nhân thêm lòng biết ơn cùng sự trân quý giá trị của hòa bình để tiếp tục gìn giữ vững bền.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dia-dao-cu-chi-trai-nghiem-de-tu-hao-post728545.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dia-dao-cu-chi-trai-nghiem-de-tu-hao-post728545.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Địa đạo Củ Chi: Trải nghiệm để tự hào