Nguyễn Minh Triết, lớp 12 Lý, trường THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế, giành chiến thắng thuyết phục trong trận quý II, chương trình Đường lên đỉnh Olympia với 290 điểm. Giây phút biết mình góp mặt trong trận chung kết, Triết khóc.
"Olympia là cơ hội để em phát triển tiềm năng của bản thân, cũng là trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ của thời học sinh", cậu từng nói.
Chàng trai Huế tự nhận bản thân có thế mạnh ở các câu hỏi về thể thao, nghệ thuật, âm nhạc và kiến thức xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong từng phần thi mà Triết trải qua, cậu hiếm khi bỏ lỡ các câu hỏi thuộc những lĩnh vực này.
Nguyễn Minh Triết, nhất quý II Đường lên đỉnh Olympia.
Khoảnh khắc ý nghĩa nhất với Triết là ở trận thi quý, khi cậu trả lời "Nguyễn An Ninh", giành 30 điểm với câu hỏi tác giả của bài chính luận "Tiếng mẹ đẻ - Nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức" trong gói Về đích của thí sinh khác. Thời điểm đó, Triết đang dẫn đầu với khoảng cách 40 điểm với người thứ hai. Với việc giành thêm 30 điểm, Triết nới khoảng cách lên 70, trong khi chỉ còn hai câu hỏi với tổng 60 điểm.
Để chuẩn bị cho trận chung kết, Triết tập trung nhiều thời gian nghiên cứu vài trận chung kết gần đây, duy trì thói quen đọc báo và xem tin tức để bổ sung kiến thức xã hội, cải thiện khả năng tiếng Anh. Cậu cũng sẽ nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô, anh chị để ôn luyện hiệu quả hơn. Để cân bằng, Triết vẫn duy trì sở thích nghe nhạc, đọc sách và gặp gỡ bạn bè.
Thầy Hoàng Lĩnh, giáo viên chủ nhiệm của Minh Triết tại trường THPT chuyên Quốc học, cho biết từ khi vào lớp 10, Triết đã gây ấn tượng vì ghi nhớ tốt, thích tìm hiểu kiến thức mới và luôn cầu tiến trong học tập. Triết học tốt các môn tự nhiên, đặc biệt là Vật lý.
Ban đầu, thầy Lĩnh định hướng dẫn Triết vào đội tuyển học sinh giỏi Vật lý, nhưng khi học trò thi Olympia cấp trường, thầy đánh giá nam sinh này có kiến thức xã hội rộng, phù hợp với sân chơi này.
Dù không làm cán sự lớp, nam sinh tích cực tham gia hoạt động phong trào, thích bóng đá, văn nghệ.
Nắm giữ kỷ lục điểm số
Lê Xuân Mạnh, lớp 12, trường THPT Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, giành chiến thắng kịch tính trong cuộc thi quý III, chương trình Đường lên đỉnh Olympia với 160 điểm. Sau 12 năm, Thanh Hóa mới có học sinh góp mặt trong trận chung kết Olympia, đây cũng là lần đầu trường THPT Hàm Rồng có học sinh tham dự sân chơi này.
Tính đến thời điểm này, Mạnh vẫn đang giữ kỷ lục về tổng điểm cao nhất trong một trận đấu ở Đường lên đỉnh Olympia 23 với 345 điểm trong trận tuần 3 tháng 1 quý III (ngày 24/4/2023).
"Lúc gửi bản đăng ký, em chỉ mong qua vòng tuần, thậm chí nghĩ có thua thì đừng thua quá đậm. Chơi chung kết là kết quả ngoài mong đợi của em", Mạnh nói.
Lê Xuân Mạnh, nhất quý III Đường lên đỉnh Olympia.
Cậu học trò xứ Thanh định hướng thi Olympia khá muộn. Trong khi nhiều thí sinh đặt mục tiêu từ THCS, cuối năm lớp 10, Mạnh mới nghĩ về điều này. Thời điểm đó, em mới tham dự cuộc thi kiến thức "Âm vang xứ Thanh", đạt kết quả tốt và tự hỏi "Sao không thử sức ở sân chơi lớn hơn?".
Trong trận thi tuần và tháng, chỉ với một gợi ý, nam sinh trường Hàm Rồng đều trả lời chính xác từ khóa của phần thi Vượt chướng ngại vật, tạo khoảng cách điểm số với các bạn chơi. Song, Mạnh cho rằng đây không phải phần thi sở trường, gặp may vì đáp án xuất hiện từ những suy nghĩ bất chợt.
Để chuẩn bị cho cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, Xuân Mạnh thường giành điểm tại các câu hỏi thuộc lĩnh vực Văn học, Lịch sử, kiến thức chung nhờ khả năng ghi nhớ tốt.
Thầy Dương Văn Hạnh, giáo viên dạy Toán và là chủ nhiệm của Xuân Mạnh, đánh giá lợi thế của học trò là ý thức ham học hỏi. Mạnh đang học đội tuyển Toán nhưng thầy giáo "luôn có cảm giác Mạnh học chuyên nào cũng được" vì học đều, khả năng ghi nhớ và nền tảng kiến thức tốt, thái độ học nghiêm túc.
Mạnh cũng năng nổ trong các hoạt động của đoàn trường, nhiệt tình với bạn bè. Em cân bằng tốt giữa việc học và giải trí, vui chơi, nên không thuộc tuýp "mọt sách".
Tự đánh giá tâm lý chưa vững vàng, tiếng Anh và các câu hỏi thực hành Vật lý, Hóa học là điểm yếu của mình, nam sinh xứ Thanh cũng đấu tập nhiều hơn để cải thiện bản lĩnh thi đấu, luyện nghe ngoại ngữ, xem lại hướng dẫn thực hành trong sách giáo khoa, trên Youtube.