Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội
Với mục tiêu mở rộng khả năng áp dụng kết quả bài thi Đánh giá tư duy cho các trường đại học, học viện khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghiệp, nông nghiệp, y dược… và phù hợp với chương trình giáo dục hiện hành và phổ thông mới, Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định điều chỉnh cấu trúc, nội dung bài thi, áp dụng từ năm 2023.
Bài thi được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ hơn, từ thi 270 phút xuống còn 150 phút; xóa bỏ tư duy theo tổ hợp môn học từ: Toán + Đọc hiểu + Khoa học tự nhiên + tiếng Anh thành nội dung đánh giá tư duy Toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy giải quyết vấn đề.
Trường sẽ tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính trong thời gian 1 buổi (150 phút), nhiều đợt thi, nhiều địa điểm thi, cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm, không giới hạn đối tượng dự thi, số lần dự thi.
Kỳ thi riêng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
"Tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức Kỳ thi độc lập đánh giá năng lực để xét tuyển đại học hệ chính quy vào đầu tháng 5", TS Trần Bá Trình – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cung cấp tại buổi Tọa đàm “Phương án tổ chức kỳ thi độc lập tuyển sinh đại học”.
Theo dự thảo Đề án tổ chức kỳ thi độc lập đánh giá năng lực xét tuyển đại học hệ chính quy, Kỳ thi được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức 1 hoặc 2 đợt hàng năm vào cuối tháng 4 và tháng 5 hàng năm.
Đối tượng thí sinh là học sinh lớp 12 THPT hoặc đã tốt nghiệp THPT, có nguyện vọng: Đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy của Trường đại học có sử dụng kết quả đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để xét tuyển.
Các môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đề thi gồm các câu hỏi trắc nghiệm, tự luận nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Thí sinh có thể lựa chọn dự thi một số môn thi và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học hệ chính quy. Thí sinh sẽ thi tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thí sinh chờ vào phòng thi kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 2022. Ảnh: NTCC. |
Kỳ thi riêng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho hay, năm nay trường tiếp tục tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào tháng 4 và 6. Đồng thời, trường cũng tăng chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt lên tối đa 40% so với tổng chỉ tiêu.
Tùy theo nhu cầu xét tuyển vào các ngành học khác nhau, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc một số bài thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành học. Thí sinh làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức.
Kỳ thi tổ chức 6 bài thi. Cụ thể, bài thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, thời gian làm bài 90 phút/môn với 35 câu trắc nghiệm, 4 lựa chọn và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn. Bài thi Ngữ văn (90 phút, gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn và 1 bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội) và tiếng Anh (180 phút gồm 4 phần: nghe, nói, đọc, viết).
Ngoài các Kỳ thi trên, còn có các kỳ thi năng khiếu các trường khối ngành Mỹ thuật, Âm nhạc, báo chí.