Điện Biên lấp đầy 'khoảng trống' sách giáo khoa

Hà Linh | 23/08/2022, 14:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sách giáo khoa hiện là “từ khóa nóng” khi thời điểm năm học mới cận kề. Đặc biệt tại địa bàn vùng khó, nhiều “khoảng trống” về sách đã đặt ra không ít thử thách đòi hỏi sự linh hoạt của các cơ sở giáo dục.

Lấp đầy chỗ trống

Điện Biên có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là tại huyện biên giới như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa... Cùng với đó là số lượng học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu hỗ trợ sách cũng tương đối lớn. Theo rà soát của toàn ngành, năm học 2022 – 2023, địa phương này có gần 103.000 học sinh cần hỗ trợ SGK.

Chính vì vậy, các sơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm lấp đầy chỗ trống này. Tại Trường PTDTBT Tiểu học Kim Đồng, huyện Tủa Chùa, từ cuối tháng 5 phong trào quyên góp sách cũ đã diễn ra sôi nổi. Ý nghĩa chương trình, giá trị của sách được thông tin sâu rộng đến từng học sinh, phụ huynh. Nhờ đó, những bộ SGK cũ nối tiếp nhau lấp đầy trên các kệ sách thư viện nhà trường.

Theo Phó Hiệu trưởng Trịnh Xuân Tùng, 98% học sinh nhà trường là người dân tộc thiểu số. Trong đó, tỷ lệ học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn chiếm trên 41%. Bởi vậy, nhiều năm qua đơn vị đã tích cực vận động và phát huy hiệu quả phong trào quyên góp, ủng hộ sách cũ.

“Để có nguồn sách bảo đảm, nhà trường giáo dục ý thức gìn giữ sách vở, tinh thần “tương thân tương ái”, biết sống vì mọi người cho từng học sinh. Ngoài ra, thông qua các buổi họp phụ huynh để vận động cha mẹ các em, tạo thành phong trào chung. Nhờ đó, hàng năm, trường vận động quyên góp được từ 50 - 60% lượng SGK cũ, đảm bảo 100% học sinh đều có sách cho năm học mới”, thầy Tùng cho hay.

Tương tự, tại Trường THCS xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) phong trào này cũng được duy trì nhiều năm qua. Đặc biệt, theo thầy Trần Văn Khương, Hiệu trưởng nhà trường, từ cuối năm học vừa qua, xã đạt chuẩn nông thôn mới, học sinh không còn hưởng chính sách hỗ trợ như trước, trong đó có SGK nên phong trào càng được phát động mạnh mẽ.

“Việc phải chuẩn bị sách giáo khoa, đồ dùng cho con trước thềm năm học mới gây khó khăn cho không ít phụ huynh, nhất là gia đình có nhiều con cùng theo học. Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành rà soát số học sinh sẽ tiếp tục học tại nhà trường trong năm tới. Trong đó, phân loại rõ em nào phải mua sách mới, em nào có anh chị khóa trước có thể để lại và cả trường hợp không có điều kiện cần sự hỗ trợ. Trên cơ sở đó, trường xây dựng kế hoạch bù lấp từ nhiều nguồn khác nhau”, thầy Khương chia sẻ.

Đến nay, hơn 240 học sinh toàn trường được đảm bảo đầy đủ SGK cho năm học mới. Trong đó, hơn 80% mua mới, gần 20% còn lại quyên góp, ủng hộ từ học sinh khóa trước và nguồn xã hội, từ thiện. “Không chỉ hỗ trợ các gia đình khó khăn, số sách kế thừa lại còn giúp nhiều phụ huynh tiết kiệm được khoản chi tiêu đầu năm học. Về phía nhà trường cũng bổ sung được một số đầu sách vào kho dùng chung. Học sinh mất, hỏng sách bất kỳ khi nào đều sẵn sàng có nguồn thay thế”, thầy Khương nói.

Theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ, ngoài số học sinh lớp 3, 7 (100% phải mua mới) thì hơn 80% còn lại tự mua theo hình thức đăng ký với nhà trường. Vì là địa bàn khó khăn về giao thông, thường xuyên xảy ra sạt lở, ách tắc nên phòng đã phối hợp với công ty sách chủ động cung ứng, vận chuyển, bảo đảm đủ số lượng theo nhu cầu từ giữa tháng 8.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dien-bien-lap-day-khoang-trong-sach-giao-khoa-post605336.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dien-bien-lap-day-khoang-trong-sach-giao-khoa-post605336.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện Biên lấp đầy 'khoảng trống' sách giáo khoa