Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 31 km, chạy qua rừng cao su đang thành hình, dự kiến thông xe năm sau.
Sau gần 10 tháng tái khởi công, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đang hiện rõ hình hài, đạt khoảng 25% tiến độ, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Dự án đầu tư từ năm 2009, dài 73 km với tổng kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng, đi qua Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An. Công trình dự kiến hoàn thành cuối năm 2021, song phải dừng thi công do gặp khó khăn nguồn vốn.
Việc khởi động lại dự án giúp hoàn thành các hạng mục đang thi công dở dang góp phần nối tuyến đường đi qua trục Đông Nam Bộ, kết nối Tây Nguyên với Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đoạn đầu của dự án là cầu vượt qua quốc lộ 13 đi qua thị xã Chơn Thành (Bình Phước) tiếp giáp Bình Dương đã hoàn thành nhưng chưa sử dụng do toàn tuyến chưa thông.
Phần đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Bình Dương dài 31 km dần thành hình. Đoạn này thuộc gói thầu XL01 do Tập đoàn Đèo Cả thi công có giá trị xây lắp hơn 681 tỷ đồng, dự kiến thông xe kỹ thuật dịp 30/4 năm sau.
Theo nhà thầu, các đơn vị đã thi công xong nền đất và đang làm lớp móng mặt đường các loại đạt 26 km. Trong đó đoạn qua huyện Dầu Tiếng đang thảm nhựa, trải dài qua cánh rừng cao su bạt ngàn.
Một số đoạn đã hoàn thành thảm nhựa, băng qua cánh rừng cao su. Dự án được thiết kế với 6 làn xe, vận tốc cho phép 100 km/h. Hiện tại, giai đoạn đầu với quy mô hai làn xe rộng 12 m, giai đoạn hoàn chỉnh đạt 6 làn xe, rộng 32 m.
Nút giao đường Hồ Chí Minh với tỉnh lộ 748 ở huyện Dầu Tiếng đang dần thành hình.
Ở những đoạn khác, công nhân cùng nhiều máy móc tất bật thi công.
Xe tưới nước mặt đường để đạt được độ ẩm trong quá trình rải đá sau khi hoàn thành lu lèn. Khoảng 200 công nhân và hơn 100 máy móc thiết bị, làm việc liên tục ngày đêm để đảm bảo gói thầu đúng tiến độ.
Cầu Thanh An bắc qua sông Sài Gòn là cầu lớn nhất gói thầu, với mức đầu tư khoảng 180 tỷ đồng. Cầu dài hơn 600 m nối liền Bình Dương - Tây Ninh.
Toàn dự án có14 cầu trong đó có ba cầu xây dựng mới, còn lại tiếp tục hoàn thiện. Tại đoạn qua Bình Dương, ngoài Thanh An còn 5 cây cầu đang được thi công gồm: kênh Phước Hòa, Bà Tứ, Thị Tính, Cây Trường và Suối Tre.
Cầu Thanh An có 12 trụ với tĩnh không cao nhất 7 m giúp tàu thuyền lớn dễ dàng đi qua.
Nhà thầu đang đẩy nhanh thi công cầu, trong đó các trụ trên sông Sài Gòn được xây dựng theo phương pháp đúc hẫng, để không ảnh hưởng tới giao thông đường thuỷ.
Hạng mục cầu Thanh An hiện có khoảng 80 công nhân làm việc ngày đêm, dự kiến hợp long tháng 2/2025.
Công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Bình Dương đã cơ bản hoàn thành, đạt 97%. Một số đoạn vướng mặt bằng, chưa di dời lưới điện khiến thi công bị khó khăn, hạn chế. Công tác vận chuyển vật liệu, thi công phải thận trọng, tránh va chạm dễ phát sinh chập điện, gây nguy hiểm trên công trường.
Đường Hồ Chí Minh kéo dài từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), dài 2.744 km, quy mô tối thiểu 2 làn xe. Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2020 tuyến đường phải hoàn thành, song đến giữa năm 2022 mới làm được 2.362 km và 258 km tuyến nhánh, đang triển khai 211 km. Còn lại còn 171 km dự kiến cần 10.700 tỷ đồng, trong đó có hai đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Hướng tuyến dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. Đồ hoạ: Khánh Hoàng