Động kinh cũng có thể xuất hiện ở trẻ bị sốt nhiều lần với một tỉ lệ nhất định.
Động kinh sau chấn thương thần kinh hay ở các bệnh lý như xuất huyết não, u não, các vấn đề về chuyển hóa – di truyền…
Bệnh động kinh có nhiều mức độ khác nhau, ở mức độ bệnh nhẹ, trẻ chỉ lên một vài cơn động kinh. Khi được điều trị bằng các thuốc chống động kinh đúng và đầy đủ, bệnh sẽ không còn tái phát và khỏi bệnh. Mức độ bệnh nặng, cơn giật xuất hiện nhiều kèm theo các bệnh khác như bại não, chậm phát triển, cần điều trị kéo dài thậm chí phụ thuộc hoàn toàn vào các thuốc chống động kinh, có một tỷ lệ bệnh không đáp ứng được thuốc (động kinh kháng thuốc).
Động kinh nếu không được phát hiện sớm, can thiệp và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cũng như cuộc sống sinh hoạt sau này của trẻ. Có thể kể đến như trong quá trình sinh hoạt, trẻ lên cơn co giật rất dễ gây tai nạn, đuối nước, bỏng… Những cơn co giật kéo dài nếu không được xử trí đúng và kịp thời có thể gây suy hô hấp, thiếu oxy não, dẫn đến tử vong…
Ngoài ra những cơn động kinh có thể ảnh hưởng đến trí tuệ và vận động của trẻ. Trẻ học tập sa sút, kiểm soát hành động kém, giao tiếp xã hội bị hạn chế… gây khó khăn đến học tập và bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống và sự phát triển của trẻ sau này.
Khi trẻ lên cơn co giật do động kinh, cha mẹ cần làm gì?
Cơn động kinh thường xảy đến một cách khó lường và đột ngột, trẻ có thể tự cắn vào lưỡi, sặc, ngạt thở, ngã, tai nạn, chấn thương… thậm chí rơi vào trạng thái hôn mê hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Người chăm sóc trẻ chỉ cần vài thao tác xử trí đơn giản, đúng và nhanh chóng có thể giúp trẻ được an toàn.
Trước hết, người xung quanh cần giữ bình tĩnh, không nên bối rối hoặc lo lắng quá mức. Cố gắng tạo không gian thoáng mát, nới lỏng quần áo và đặt trẻ nằm nghiêng ở nơi an toàn; không cố gắng khống chế cử động hay đè giữ, kìm chặt trẻ, không cho trẻ ăn uống khi trẻ chưa thực sự hoàn toàn tỉnh táo. Trong một số trường hợp, có thể đặt một vật mềm vào giữa hai hàm răng của trẻ nhằm đảm bảo trẻ không cắn vào lưỡi.
Bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý, đối với những cơn động kinh ngắn có thể tự hết trong vài phút. Tuy nhiên, với một số trường hợp như cơn động kinh kéo dài, cơn co giật xảy ra ngay sau khi cơn đầu vừa dứt hoặc các cơn động kinh có thể gây suy hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu và cắt cơn co giật động kinh càng sớm càng tốt.