Trong quá trình dạy học, cô Nhung luôn tìm hiểu, nắm bắt đặc điểm của từng học sinh để có phương pháp dạy phù hợp. Bên cạnh đó, cô truyền dạy kiến thức trọng tâm, cô đọng, đi từ dễ đến khó và bám vào nội dung kiến thức cần đạt; đổi mới cách kiểm tra bài cũ để tạo sự hứng thú cho học sinh. Đồng thời liên tục động viên, khuyến khích giúp các em. Ngoài ra, cô thường xuyên áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học và kiểm tra đánh giá.
Cô Nhung cho rằng, để nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, mỗi học sinh cần cam kết và kiên trì, nỗ lực học tập. Không những vậy, các em biết sơ đồ hóa ngữ pháp, từ vựng giúp dễ nhớ bài, hứng thú hơn trong học tập. Việc xem tin tức, tham gia hoạt động trải nghiệm cũng giúp người học bổ sung kiến thức về văn hóa, xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác nguồn học liệu.
“Sở GD&ĐT cùng ban giám hiệu luôn quan tâm, tạo điều kiện nhằm nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ. Do đó, mỗi giáo viên cần nỗ lực hơn nữa và phải là tấm gương tự học tập, trau dồi”, cô Nhung chia sẻ.
Cô Giã Thị Tuyết Nhung cùng học sinh Trường THPT Trường Chinh tham gia hoạt động ngoại khoá để nâng cao năng lực tiếng Anh. |
Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ là quá trình đòi hỏi sự đầu tư và phát triển liên tục. Chia sẻ thông tin, ông Nguyễn Đình Vinh - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Kon Tum) cho hay, để cải thiện năng lực tiếng Anh cho học sinh, đặc biệt là các em đang theo học Chương trình GDPT 2018 và chuẩn bị thi tốt nghiệp, đơn vị khuyến khích nhà trường tăng cường tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh. Bên cạnh đó duy trì hoạt động ngoại khoá nhằm khơi dậy sự đam mê, hứng thú để thu hút học sinh, như giao tiếp, thuyết trình, hùng biện bằng tiếng Anh.
Đồng thời, sở cũng tăng cường tổ chức hội thảo về nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trên địa bàn; tập huấn cho giáo viên tiếng Anh, đặc biệt là thầy cô ở trường Phổ thông dân tộc nội trú, bán trú về phương pháp dạy môn học này. Ngoài ra, bồi dưỡng, nâng cao năng lực sư phạm, kiểm tra đánh giá học sinh cho giáo viên tiếng Anh các cấp bằng nhiều hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến.
Theo ông Vinh, năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT Kon Tum tiến hành khảo sát những khó khăn, vướng mắc và nhu cầu của học sinh, giáo viên cũng như nhà trường trong việc dạy học ngoại ngữ. Từ đó có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời và hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
“Trên cơ sở đánh giá chất lượng bộ môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, đơn vị chỉ đạo các trường THPT phân tích kết quả đạt được; rút kinh nghiệm trong công tác ôn tập cho học sinh chuẩn bị bước vào Kỳ thi tốt nghiệp để cải thiện chất lượng. Cùng với đó, sở sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ, xây dựng kho học liệu điện tử, bổ sung ngân hàng câu hỏi, bài tập nhằm củng cố kiến thức cho các em. Đồng thời có kế hoạch quản lý tốt công tác dạy học, ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024”, ông Vinh nói.
Còn theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, kết quả môn thi Ngoại ngữ những năm gần đây của tỉnh tăng lên do có lộ trình bài bản, hợp lý và thuyết phục. Theo đó, từ năm 2020, UBND tỉnh đã thông qua Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thực hiện đề án này, ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường với học sinh tiểu học và THCS ở một số địa phương. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ sư phạm. Sở cũng triển khai đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó xây dựng các chương trình bồi dưỡng thích hợp.
Xây dựng cơ chế khuyến khích giáo viên tự học, tự bồi dưỡng để dự thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, phấn đấu đạt tiêu chuẩn giáo viên toàn cầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cũng như bổ sung giáo viên ngoại ngữ cho các trường học...
Ngành Giáo dục Nghệ An cũng đổi mới trong tổ chức kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh đầu cấp theo hướng tạo động lực thúc đẩy chất lượng dạy học môn Tiếng Anh toàn tỉnh. Sở GD&ĐT Nghệ An có hướng dẫn ưu tiên tuyển thẳng đầu cấp (lớp 6 và lớp 10) với học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Riêng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, 3 môn Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh đều lấy điểm hệ số 1 (thay vì Toán, Ngữ văn nhân hệ số 2 như trước).
“Với nhiều cơ chế thúc đẩy việc dạy học ngoại ngữ, Nghệ An đặt mục tiêu nâng chất lượng môn học này cao hơn nữa. Bên cạnh các môn học khác, môn Ngoại ngữ phấn đấu không chỉ đạt thành tích tốt mà để học sinh có nền tảng tiếng Anh tốt, trở thành công dân toàn cầu trong bối cảnh hội nhập”, ông Thái Văn Thành cho hay.
Ông Thái Văn Thành cho biết thêm: Trong những năm gần đây, Nghệ An quyết liệt trong việc thực hiện mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông và giao trách nhiệm đến từng nhà trường, giáo viên. Theo đó, các môn học, trong đó có môn Tiếng Anh cũng phải đảm bảo chất lượng đầu ra theo từng năm học, cấp học như cam kết, đăng ký.
Đồng thời, từ kết quả của các kỳ thi, đánh giá cuối năm, sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và nhà trường tổ chức đánh giá phổ điểm, đối sánh điểm trung bình chung mỗi năm học, phân tích điểm đầu vào, điểm khảo sát chất lượng... Từ đó, tổ chức dạy học, bổ sung kiến thức, kỹ năng sát với từng nhóm. Từng bước nâng trình độ, có phương pháp tác động phù hợp, khuyến khích, tạo cảm hứng học tập để các em học hiệu quả.