Thanh khoản giảm sút mạnh so với phiên bùng nổ hôm qua nhưng vẫn đứng ở mức cao. Tổng giá trị giao dịch hôm nay đạt hơn 18,6 nghìn tỷ đồng.
Toàn sàn HoSE có 241 mã tăng giá, 62 mã đứng giá tham chiếu và 134 mã giảm giá.
HPG là cổ phiếu tác động tích cực nhất lên Vn-Index khi mang về tới 1,28 điểm. Ở chiều ngược lại, VCB lấy đi của chỉ số chính 2,31 điểm.
Ngay từ đầu phiên, cùng với sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu thép, HPG gây ấn tượng với tốc độ khớp lệnh chóng mặt. HPG ghi nhận hơn 30 triệu cổ phiếu được sang tay chỉ sau hơn một giờ giao dịch.
Phiên này, HPG tăng 3,91%, lên 22.600 đồng/cổ phiếu. Có hơn 55 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trong phiên này.
Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận doanh số bán hàng tăng mạnh
HPG diễn biến khởi sắc sau khi đón tín hiệu tích cực từ nhu cầu tiêu thụ.
Tháng 5/2023, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 565.000 tấn thép thô, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với tháng 5/2022 nhưng tăng 16% so với tháng 4 vừa qua. Trong đó, thép xây dựng Hòa Phát đạt 284.000 tấn, giảm 27% so với tháng 5 năm trước nhưng tăng 33% so với tháng 4/2023. Trong khi đó, thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 243.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đóng góp 55%, chủ yếu tới thị trường châu Âu, châu Á.
Các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép và tôn mạ của tập đoàn đều ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Ống thép đạt trên 57.000 tấn, tăng 12%, tôn mạ các loại cung cấp 34.000 tấn cho thị trường trong và ngoài nước, tăng gấp đôi so với tháng 5/2022.
Bên cạnh tín hiệu khả quan từ nhu cầu tiêu thụ, giá thép thế giới cũng đang vận động theo xu hướng tích cực hơn sau khi thủng đáy vào cuối tháng 5. Giá thép thanh vằn tại Trung Quốc đã hồi phục khoảng 5% trong hơn 2 tuần qua lên mức 3.670 CNY/tấn. Dù vậy, mức giá này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với thời điểm cuối quý 1.