Sư phạm là ngành đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà qua nhiều thế hệ. Do đó cần phải có ngưỡng tối thiểu xét tuyển đầu vào để sàng lọc, đảm bảo thí sinh có đủ năng lực học tập, công bằng giữa các cơ sở đào tạo trong cùng một ngành/chuyên ngành, cũng như đảm bảo chất lượng chung cho sản phẩm đào tạo ở khối ngành này.
Song cũng cần hiểu tường minh rằng, điểm sàn không phải là điểm trúng tuyển. Điểm sàn được hiểu là điều kiện cần, nhưng không phải là điều kiện đủ. Nghĩa là, thí sinh phải đạt được từ mức điểm sàn trở lên mới đủ điều kiện tham gia xét tuyển. Theo logic này, điểm chuẩn trúng tuyển của các trường sẽ không được thấp hơn và thông thường cao hơn điểm sàn.
Không phải ngẫu nhiên mà xã hội đặt niềm tin vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Song để bồi đắp cho niềm tin ấy, cần chú trọng đến hệ thống các trường sư phạm, mà ở đó chất lượng đầu vào, đầu ra được coi là mắt xích quan trọng.
Nói như GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, hệ thống trường sư phạm được coi là “công nghiệp nặng” của ngành Giáo dục. Khi chất lượng sư phạm không tốt và chất lượng nhà giáo không đảm bảo thì đừng nói đến chất lượng giáo dục. Do đó, cần quan tâm, đầu tư nguồn lực và có chính sách, biện pháp để “nâng chất” các trường sư phạm.