Định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9: Cần thực chất và tránh hình thức

Khôi Nguyên | 27/04/2022, 16:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những ồn ào xung quanh câu chuyện một trường THCS ở Hà Nội bị “tố” vì khuyên học sinh yếu kém không thi vào lớp 10 cho thấy công tác phân luồng cho HS sau tốt nghiệp THCS cần phải được tiến hành sớm và thực chất.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Hà Đông đang tập trung hoàn thành chương trình học kỳ II. Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Hà Đông đang tập trung hoàn thành chương trình học kỳ II.

Có nhiều con đường

Gần đây, dư luận Thủ đô đang rất quan tâm trước câu chuyện về một trường THCS trên địa bàn Hà Nội bị phụ huynh “tố” vì có hành vi được cho là ép học sinh có học lực yếu kém nên chuyển trường, thậm chí chủ động không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2022. Lãnh đạo ngành Giáo dục Hà Nội đã yêu cầu phía nhà trường có liên quan kiểm tra, xác minh thông tin để xử lý theo quy định. Dù đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng từ cơ quan chức năng, nhưng rõ ràng đây là câu chuyện không mới ở Hà Nội, nhất là mùa tuyển sinh vào lớp 10 đang tới gần, thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh có con học lớp 9. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, kết quả thi vào lớp 10 THPT công lập sẽ không được lấy làm căn cứ để đánh giá thi đua với các trường THCS trên địa bàn thành phố.

Chị Nguyễn Thị Thu, phụ huynh một trường THCS trên địa bàn huyện Hoài Đức, cho biết: “Con tôi đang học lớp 9 ở trường huyện nhưng sức học trung bình nên khá lo lắng. Cô giáo chủ nhiệm cũng thường xuyên trao đổi với gia đình để tìm cách phối hợp, hỗ trợ con. Cô cũng động viên cháu nên cố gắng học và ôn tập thật tốt các môn thi vào lớp 10 để có được kết quả khả quan trong kỳ thi sắp tới. Dù vậy, vợ chồng tôi cũng sẽ nói chuyện thêm với con về các hướng đi khác sau THCS nếu trường hợp, điểm thi vào lớp 10 sắp tới không được như ý muốn. Nếu không đỗ trường công thì có thể học giáo dục thường xuyên hoặc trường nghề. Quan điểm của chúng tôi cũng mong con nỗ lực hết khả năng của mình trong học tập, dù cao hay thấp thì cũng đã cố gắng hết sức”.

Cùng suy nghĩ trên, anh Trần Văn Chiến (trú quận Thanh Xuân) cho rằng, việc học tốt hay không là do từng em, nhưng quyền được dự thi vào lớp 10 thì không ai có thể ngăn cản các em. Vị phụ huynh này cho hay, anh không đồng tình với các hành vi ép buộc học sinh lớp 9 học yếu kém phải bỏ thi vào lớp 10 trường công. Đi thi là quyền của các em. Nếu vì lý do nào đó hoặc áp lực về mặt thành tích, thầy cô giáo có các hành vi trên thì không thể chấp nhận được.

“Cái đích cuối cùng của sự học cũng là tạo ra của cải vật chất nuôi sống bản thân và gia đình, xa hơn là phục vụ xã hội. Có nhiều cách để các em tham gia vào thị trường lao động đầy sôi động như hiện nay thì cớ sao lại cứ phải chọn con đường trường công lập và vào đại học. Thực tế cho thấy, dù chỉ học cao đẳng hay trung cấp nghề nhưng vẫn có nhiều người nhờ có sự chăm chỉ, sáng tạo và tinh thần học hỏi nên vẫn có cuộc sống sung túc, đầy đủ đó thôi”, anh Chiến nói.

Ngày 21/4, Trường THCS Đại Kim, quận Hoàng Mai đã tổ chức cho học sinh khối 9 làm bài khảo sát môn Ngữ văn và Tiếng Anh.

Bảo đảm quyền lợi của học sinh

Là lãnh đạo của một trong những trường thuộc tốp đầu của quận Hà Đông về chất lượng giáo dục trong nhiều năm qua, cô Nguyễn Thị Xinh – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi - cho biết, công tác ôn tập và tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối 9 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà trường vào mỗi năm học. Ngay sau khi thành phố công bố các môn thi vào lớp 10 năm 2022, nhà trường đã họp với toàn bộ 570 phụ huynh học sinh khối 9 ở 12 lớp qua phần mềm Zoom. Từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh và định hướng phân luồng nghề nghiệp. Qua thống nhất ý kiến với phụ huynh, nhà trường dự kiến ôn tập các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cho các em vào 3 buổi chiều/tuần, mỗi buổi 4 tiết.

Tiếp đó, nhà trường sẽ lập danh sách học sinh theo học lực của từng em để ôn tập. Ban giám hiệu tiến hành họp giáo viên dạy Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để xây dựng đề cương, thống nhất phương pháp dạy học và phổ biến lịch khảo sát của Phòng GD&ĐT quận. Qua ghi nhận đã có nhiều ý kiến tập trung vào việc kiểm tra phân loại học sinh; tăng cường thời lượng ôn tập để tạo điều kiện cho các em tập trung vào các môn thi; kích thích cho học sinh bằng phần thưởng; tăng cường phương pháp kiểm tra đánh giá. Do học 3 buổi chiều/tuần nên giáo viên cũng đảm bảo về mặt thời lượng.

“Hiện tại, các em vẫn còn chương trình học kỳ II nên chưa tăng buổi, tăng tiết để tránh gây áp lực. Dự kiến, trong các ngày 27 - 28/4 sẽ cho khối 9 thi học kỳ II theo đề chung của quận. Lúc đó, nhà trường sẽ cân nhắc để tăng buổi ôn tập cho học sinh cho phù hợp trên cơ sở thống nhất ý kiến với phụ huynh. Nếu có sự đồng thuận cao thì mới triển khai, không nên tăng quá nhiều để tránh gây áp lực cho học sinh. Tuyệt đối không có chuyện ép học sinh không thi vào lớp 10. Năm 2022, học sinh của trường đoạt 1 giải Nhì Toán, 1 giải Nhì Tiếng Anh kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh được thực hiện bài bản, đảm bảo quyền được đi học cho học sinh, phù hợp với nguyện vọng của gia đình và năng lực của các em”, cô Nguyễn Thị Xinh cho hay.

Theo thầy Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa), việc định hướng phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS là một chủ trương hoàn toàn đúng. Việc cung cấp những thông tin và tư vấn cần được thực hiện hợp lý, nhất là từ lớp 8 để phụ huynh, học sinh tìm hiểu, đồng hành cùng nhà trường trong giáo dục và định hướng phân luồng cho các em. Học sinh có thể lựa chọn thi vào THPT công lập, THPT chuyên hoặc không thi mà lựa chọn vào THPT bằng xét kết quả học tập và rèn luyện cấp THCS hoặc lựa chọn học nghề học các hệ đào tạo như 10+... Tựu chung lại, học sinh cần sự tư vấn thật tâm huyết, trách nhiệm và thực chất từ phía thầy cô, tránh hình thức; còn sự lựa chọn hoàn toàn thuộc về học sinh và cha mẹ học sinh.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9: Cần thực chất và tránh hình thức