Nỗ lực đáp ứng nhu cầu người học
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, triển khai dạy phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT giúp bồi dưỡng nhóm học sinh có năng khiếu nghệ thuật phát triển. Đặc biệt những học sinh ở vùng khó cũng có thể theo đuổi đam mê của mình đến cùng.
Thầy Hồ Đức Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Trạch (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Nhiều năm qua, học sinh nhà trường muốn xét tuyển vào các ngành văn hóa nghệ thuật phải đi 30 km xuống Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Tĩnh ôn luyện. Do vậy, đưa phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật vào giảng dạy ở trường phổ thông sẽ tạo nền tảng kiến thức cơ bản cho học sinh. Trong quá trình học thầy cô giảng dạy sẽ có thêm định hướng, hỗ trợ các em”.
Cũng theo thầy Cương, phân môn Âm nhạc đưa vào trường học là cơ hội để gìn giữ văn hóa dân tộc như dân ca, cải lương, chèo, ca trù… Ví dụ: Hà Tĩnh có dân ca ví dặm. Trước đây, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các câu lạc bộ dân ca ví dặm ở các trường phổ thông trên địa bàn. Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới có phân môn âm nhạc sẽ phát huy hết giá trị của câu lạc bộ ví dặm.
Tuy nhiên, thầy Cương cũng trăn trở, đội ngũ giáo viên âm nhạc có trình độ đại học hiện nay chưa đáp ứng đủ. Nhiều trường có phòng âm nhạc nhưng chưa có thiết bị. Mặt khác, thiết bị của hai phân môn này khác nhau, chi phí mua sắm cao. Trước những khó khăn đó, thầy Cương đề xuất Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho phép các trường THPT trên địa bàn huyện Hương Khê ghép học sinh lại để dạy.
“Để thuận tiện cho học sinh đi lại, các trường sẽ họp và chọn một trường trung tâm nhất để mở lớp. Bên cạnh đó, chúng tôi bàn bạc, sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, tạo thuận lợi cho học sinh. Tuy nhiên, về lâu dài chúng tôi vẫn muốn triển khai dạy môn Nghệ thuật trong trường”, thầy Cường cho biết thêm.
Theo chia sẻ của cô Trần Thị Bích Hợp – Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (Hà Nội), Chương trình GDPT mới với cấp THPT có hai phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật là một bước thay đổi phù hợp, đáp ứng được nhu cầu cũng như xu thế của người học. Với chương trình hiện hành, các tổ hợp xét tuyển truyền thống học sinh có sự hỗ trợ của thầy cô rất lớn. Nhưng với các em xét tuyển các tổ hợp có môn năng khiếu như hát, vẽ, múa gần như phải tự tìm tòi nghiên cứu hoặc đi tìm trung tâm ngoài học.
Chi phí học môn học năng khiếu rất đắt đỏ không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi học. Đặc biệt là những em ở vùng khó khăn, việc tìm kiếm cơ sở hay trung tâm dạy năng khiếu không dễ dàng. “Do vậy, khi đưa môn Nghệ thuật vào trường THPT là cơ hội để các em có năng khiếu được phát triển, đồng thời thầy cô có thể hỗ trợ, hướng nghiệp ngay từ năm lớp 10”, cô Hợp nhấn mạnh.
“Đưa môn Nghệ thuật vào chương trình giáo dục phổ thông là tất yếu, nhưng hiện nay không phải trường nào cũng có đủ điều kiện, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để giảng dạy. Năm học 2022 - 2023 cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đủ điều kiện để dạy hai phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Do vậy, nhà trường lên phương án thành lập các câu lạc bộ, mỗi tuần dành 1 buổi sinh hoạt, học tập. Tuy nhiên, về lâu dài chúng tôi cũng có kế hoạch xây dựng các phòng học dành riêng cho bộ môn Nghệ thuật và hợp đồng với giáo viên khi học sinh có nhu cầu học”. - Cô Trần Thị Bích Hợp, Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (Hà Nội)