Doanh nghiệp bất động sản lo 'cú đấm bồi' Thông tư 06

Theo Châu Anh/VTC News | 24/07/2023, 15:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, Thông 06 như một cú đấm bồi làm cho thị trường địa ốc thêm điêu đứng.

Trả lời VTC News về Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) nhận xét, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn khó khăn, thanh khoản và dòng tiền sụt giảm thì Thông tư 06 của NHNN như "cú đấm bồi", gây nhiều khó khăn.

Việc đưa thêm các trường hợp không được tiếp cận vốn tín dụng chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực vì dòng vốn từ ngân hàng luôn là nguồn lực chính của người mua nhà, chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án.

Việc hạn chế cho các đối tượng vay ảnh hưởng tiêu cực tới cả người mua nhà và chủ đầu tư bán nhà trong bối cảnh Chính phủ đang đưa những cơ chế khuyến khích, "rã băng" thị trường bất động sản. Doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn thông qua hợp tác đầu tư, cơ cấu lại cổ đông. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp chưa niêm yết có số lượng vượt trội so với các doanh nghiệp đang hoạt động trên sàn chứng khoán ”, ông Toản phân tích.

Bên cạnh đó, việc hạn chế cho vay khi dự án “chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh” thực sự là đánh đố doanh nghiệp vì nếu đủ điều kiện thì doanh nghiệp đã có nhiều phương án huy động khác chưa kể tới gần như 90% các dự án hiện tại đều tắc về pháp lý, không đủ điều kiện cho vay theo Thông tư 06.

Doanh nghiệp bất động sản lo 'cú đấm bồi' Thông tư 06 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp địa ốc hoang mang trước thông tư 06.

Đối với các dự án PPP, công trình hạ tầng... đặc thù cần lượng vốn lớn trong khi nguồn thu hoàn vốn kéo dài thì việc huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án là tất yếu. Nhưng Thông tư 06 lại chặn luôn dòng vốn này do không cho phép đối tác của chủ đầu tư (bên thứ 3) vay vốn thông qua hợp tác kinh doanh, chỉ cho vay khi đủ điều kiện kinh doanh trong khi giai đoạn cần vốn nhất là khi triển khai xây dựng thì lại hạn chế nguồn huy động.

Do vậy những nội dung bổ sung mới trong Thông tư 06 chỉ làm trầm trọng thêm việc thiếu nguồn vốn cho các doanh nghiệp và dự án đang triển khai, giảm tăng trưởng tín dụng vốn đã rất thấp trong nửa đầu năm 2023 ”, ông Toản nhấn mạnh.

Đối với các doanh nghiệp như EZ, tác động trực tiếp của Thông tư 06 là làm giảm đầu tư mới, kéo giãn thời gian đầu tư đối với các dự án đang triển khai, hạn chế sử dụng các đòn bẩy phát sinh chi phí tài chính lớn như đi vay ngân hàng, phát hành trái phiếu.

Trong bối cảnh hiện tại thì hợp tác đầu tư chia sẻ lợi ích và rủi ro với các đơn vị có tiềm lực tài chính là ưu tiên. Tuy nhiên Thông tư 06 lại đang có tác động xấu tới chiến lược này do các dự án đều đang trong giai đoạn dở dang, chưa đủ điều kiện kinh doanh, chưa kể vướng mắc pháp lý vẫn đang chờ các cơ quan quản lý tháo gỡ.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư bất động sản Toàn cầu (GP Invest) cũng cho rằng, trong bối cảnh ngành bất động sản đang khó khăn, Chính phủ đang muốn phát triển ổn định thị trường mà áp dụng quy định này là đang siết lại tất cả các doanh nghiệp.

Hiện nay pháp lý các dự án đã tắc, đến khâu cho vay ngân hàng lại dùng pháp lý để ép một lần nữa khiến doanh nghiệp bị siết đến 2 lần. Một dự án khi đến bước được triển khai xây dựng phải qua bao nhiêu gian khổ pháp lý, doanh nghiệp cũng phải bỏ ra vài trăm tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng, tiền đất.

Đối với bất động sản, tiền sử dụng đất và tiền chi phí hạ tầng chiếm đến 60-70% tổng mức đầu tư dự án đều nên được cho vay ngay từ bước dự án bắt đầu được triển khai. Đặc biệt, có những dự án vốn đầu tư lên đến cả nghìn - chục nghìn tỷ thì càng cần vốn tín dụng ngay từ ban đầu.

Nếu tín dụng bị siết như thế này thì bất động sản còn trông chờ gì ở tín dụng nữa, bất động sản phát triển làm sao được nữa. Cái này là quy định cần phải xem xét lại ”, ông Hiệp khẳng định.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cũng cho biết, thời điểm này lẽ ra nên nới điều kiện vay, như chỉ cần có chấp thuận chủ trương đầu tư, tiêu chí nhảy nhóm nợ cần điều chỉnh hỗ trợ doanh nghiệp thì ngân hàng lại siết…Ngân hàng đang giống 1 bác sỹ chỉ lo sức khỏe cho mình, sợ lo bệnh nhân nhiều thì mình bị ảnh hưởng.

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc dịch vụ tư vấn và phát triển dự án (DKRA Group), cho biết việc NHNN ban hành thông tư 06, với thị trường bất động sản, cả người mua nhà lẫn nhà phát triển dự án sẽ bị siết tín dụng, điều kiện vay vốn.

Trước đây doanh nghiệp địa ốc dùng hợp đồng hợp tác kinh doanh để tiếp cận vốn, vay vốn làm dự án. Nếu doanh nghiệp sai phạm, dùng vốn không đúng mục đích, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Còn với quy định mới này, chủ đầu tư bị chặn luôn.

Với tín dụng cá nhân, những khoản vay để bù đắp tài chính cũng hẹp cửa. Điều này khiến người dân tiếp cận vốn ngân hàng để mua bất động sản thời gian tới chắc chắn khó hơn.

Doanh nghiệp bất động sản lo 'cú đấm bồi' Thông tư 06 - Ảnh 2.

Thông tư 06/2023 của NHNN quy định rõ những nhu cầu vốn mà các tổ chức tín dụng không được cho vay. (Ảnh minh họa: Internet)

Mới đây, thông tư 06/2023 của NHNN quy định rõ một số nhu cầu vốn mà các tổ chức tín dụng không được cho vay gồm:

Không được cho vay để gửi tiền. NHNN cho rằng, bản chất của tiền gửi tiết kiệm và giao dịch chứng minh tài chính của khách hàng phải hình thành từ chính nguồn tiền của khách hàng; không phải là tiền đi vay. Theo đó, Thông tư 06 bổ sung quy định tổ chức tín dụng (TCTD) không được cho vay vốn để gửi tiền nhằm đảm bảo kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích và kiểm soát rủi ro khoản vay cũng như đảm bảo phù hợp với bản chất của tiền gửi tiết kiệm, bản chất giao dịch chứng minh tài chính.

Không được cho vay để thanh toán tiền mua cổ phần doanh nghiệp chưa niêm yết: NHNN không cho phép TCTD cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.

Không được cho vay để góp vốn theo hợp đồng không đủ điều kiện. Thông tư 06 quy định các TCTD không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.

Đối với các dự án đầu tư đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật, TCTD tiếp tục xem xét cho khách hàng vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định.

Không được cho vay để bù đắp tài chính: Theo quy định tại Thông tư 06, cho vay bù đắp tài chính là việc tổ chức tín dụng cho khách hàng vay để bù đắp các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng, vốn vay từ cá nhân, tổ chức (không phải tổ chức tín dụng) nhằm thực hiện phương án, dự án hoạt động kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ nhu cầu đời sống.

NHNN cho rằng, việc cho khách hàng vay để bù đắp tài chính tiềm ẩn rủi ro về việc sử dụng vốn vay do khó đánh giá sự phù hợp giữa nhu cầu vay vốn và giá trị tài chính khách hàng đã mượn, tính xác thực của các giao dịch.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp bất động sản lo 'cú đấm bồi' Thông tư 06