Độc đáo Lễ mừng thọ của người M’nông Đắk Lắk

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Cùng với sự phát triển của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, người M’nông ở huyện Lắk, Đắk Lắk vẫn luôn gìn giữ, trân trọng, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông.

anh-1.jpg
Lễ mừng thọ của người M’nông Đắk Lắk được diễn ra tại nhà dài. Ảnh: Hữu Hùng

Bản sắc văn hóa của người M’nông rất độc đáo, sinh động như: văn hóa mẫu hệ, văn hóa nhà dài, văn hóa cồng chiêng, văn hóa rượu cần, văn hóa sử thi, văn hóa giao tiếp, văn hóa ẩm thực, đặc biệt là văn hóa lễ hội hay còn gọi là văn hóa nghi lễ.

Trong đó, Lễ mừng thọ là nghi lễ được bà con dân tộc M’nông tổ chức thường xuyên và giữ nguyên phong tục truyền thống, ý nghĩa, giá trị cộng đồng, sự kết nối nhiều thế hệ và tiềm năng mang lại về du lịch trong tương lai của lễ mừng thọ khá rõ nét.

Nghi lễ khơi dậy tính cộng đồng và kết nối các thế hệ

Khi cha mẹ đã trên tuổi 60, con cái trong gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ. Lễ mừng thọ nhằm thể hiện sự biết ơn công lao đã sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.

Buổi lễ mừng thọ thường tổ chức vào tháng 1 hoặc 2 dương lịch hằng năm sau khi đã kết thúc mùa nương rẫy.

Điều ý nghĩa của lễ mừng thọ chính là làm gắn bó sâu sắc hơn mối đoàn kết giữa gia đình, dòng tộc, buôn làng và là dịp để lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Lời chúc của các thế hệ con cái, con cháu trong gia đình, dòng họ là những câu nói chân tình, kể lại những công lao của cha mẹ, ông bà đã săn sóc, nuôi dạy con cháu trưởng thành, nên người và cầu mong họ sống lâu với con cháu.

Với người M’nông, mỗi khi tổ chức nghi lễ dù lớn hay nhỏ tại gia đình đều có sự quan tâm, tham gia của cộng đồng buôn làng.

Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, giáo dục cho con cháu trong gia đình, buôn làng nếp ăn lối ở, tính siêng năng, trung thực và sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng.

Do vậy, ngay từ sáng sớm, mọi thành viên trong gia đình người được tổ chức lễ mừng thọ cũng như bà con trong buôn làng đều tất bật mỗi người một công việc để tổ chức lễ.

Phải khẳng định rằng, lễ mừng thọ của người M’nông chứa đựng nhiều ý nghĩa, đặc biệt là như sợi dây chắc chắn mà mềm dẻo để kết nối các thành viên, các thế trong gia đình, dòng họ.

Cha mẹ sau những ngày tháng dài vất vả sinh, nuôi dưỡng và hy sinh vì các con. Khi con cái trưởng thành thì ngoài việc báo hiếu cha mẹ bằng sự chăm sóc, đoàn kết sống tốt đẹp thì tổ chức lễ mừng thọ, chúc phúc cho đấng sinh thành.

Nếu như ngày trước, việc tổ chức lễ cúng chỉ do người con gái lớn trong gia đình được phép tổ chức (theo phong tục mẫu hệ) thì ngày nay các con trong gia đình đều có quyền và trách nhiệm cùng tổ chức lễ.

Sự thay đổi này làm tăng sự kết nối trong các anh chị em, của các con trong gia đình; sự yêu kính của con cái với bố mẹ; sự trân trọng của thế hệ trẻ với người cao tuổi trong gia đình, dòng tộc,…

Điều đó chưa kể đến trong xã hội hiện đại, mỗi người đều có công việc, cuộc sống riêng ở nhiều nơi chứ không sống tâp trung trong nhà dài, trong buôn, trong làng cùng nhau như trước kia thì lễ cúng mừng thọ là dịp để mọi người tụ họp về; cũng là dịp người dân trong bon, làng cùng tham gia giúp việc, chung vui, cùng ăn uống, Sự kết nối không chỉ trong các thế hệ của một gia đình, dòng tộc mà còn tăng sự đoàn kết trong cộng đồng hơn nữa.

anh-2.jpg
Lễ Mừng Thọ người M'nông mang tiềm năng du lịch rõ nét. Ảnh: Hữu Hùng.

Tiềm năng để phát triển du lịch văn hoá

Với sự đặc biệt và giá trị về văn hoá dân tộc như trên, lễ mừng thọ của người M’nông có tiềm năng để phát triển du lịch văn hoá rất rõ nét.

Sản phẩm du lịch đòi hỏi sự không trùng lặp ở các vùng miền, tức là đảm bảo nét riêng, sự thu hút và ấn tượng. Đặc biệt là sự tham gia trực tiếp, sự hợp tác của người dân địa phương.

Lễ mừng thọ của người M’nông vừa mới được công nhận là một lợi thế để kích thích người dân, khách du lịch tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm.

Trước những lợi thế đó, làm thế nào để quảng bá nét hay, nét đẹp của lễ mừng thọ để thu hút và phát triển du lịch văn hoá là vấn đề đặt ra mà các cấp, các ngành phải xây dựng chiến lược và có những chính sách phù hợp, kịp thời.

anh-3.jpg
Lễ Mừng thọ của người M'nông cần được quảng bá rộng rãi.

Trong giai đoạn hiện nay, việc thông tin đến công chúng trên các phương tiện truyền thông, báo chí và các nền tảng mạng xã hội có sức mạnh rất lớn trong việc quảng bá giới thiệu sự độc đáo của văn hoá địa phương. Đặc biệt với di sản Lễ mừng thọ của người M’nông.

Các phương thức quảng bá như, phục dựng nguyên gốc để dựng phim tài liệu, phim giới thiệu hay phim ngắn, trailer cần được đầu tư và giới thiệu rộng rãi trên các kênh truyền thông mạng như Cổng thông tin điện tử của tỉnh và địa phương; website Trung tâm xúc tiến du lịch TW và tỉnh; của các công ty du lịch; kênh facebook hoặc fanpage, tiktok,…; thiết kế các poster, panô giới thiệu hình ảnh truyền thống đặc sắc ở một số vị trí trọng tâm trong tỉnh, tại huyện Lắk.

Tổ chức các cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật, tìm hiểu và nghiên cứu văn nghệ dân gian để lan toả rộng rãi ở góc độ văn học nghệ thuật.

Ngoài ra, cần tổ chức các chương trình Hội thảo, Toạ đàm chuyên môn. Thành phần tham gia chính là các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng người M’Nông chia sẻ về ý nghĩa, giá trị của Lễ mừng thọ…

Qua đó quảng bá ý nghĩa nhân văn, giá trị xã hội tạo sự thu hút nhất định cho các đoàn nghiên cứu, tìm hiểu về di sản văn hoá địa phương.

Tổ chức các chuyến đi trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, dân tộc M’nông.

Điều này sẽ cung cấp kiến thức về văn hoá dân tộc truyền thống cho thế hệ trẻ, hun đúc trong các em sự tự hào và tinh thần muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống từ khi còn là học sinh.

Di sản Lễ mừng thọ của dân tộc M’nông có giá trị lớn và thực tiễn trong đời sống của dân tộc M’nông nói riêng, đời sống tinh thần của Đắk Lắk nói chung. Đồng thời mang đến tiềm năng của du lịch văn hoá cho huyện Lắk trong thời gian tới.

Vì thế để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông cần rất nhiều sự nỗ lực của các cấp, các ngành và tất cả chúng ta để giữ gìn, giới thiệu đến đông đảo công chúng trong cả nước./.

Đắk Lắk là trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đây cũng là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát triển văn hoá truyền thống của các dân tộc Ê Đê, M'Nông, Gia Rai với những lễ hội truyền thống, trong đó “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ngày 04/8/2022, “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M'nông huyện Lắk” đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (theo Quyết định số 1841/QĐ-BVHTTDL, ngày 4/8/2022 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) mang đến tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hoá tại huyện Lắk, Đắk Lắk.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Độc đáo Lễ mừng thọ của người M’nông Đắk Lắk