Để đáp ứng yêu cầu đổi mới về ra đề kiểm tra môn Ngữ văn, bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, đề kiểm tra cần bảo đảm cấu trúc có đủ kỹ năng đọc hiểu và viết. Nội dung đọc hiểu cần xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan, tự luận với đầy đủ mức độ nhận thức từ phát hiện đến thông hiểu, vận dụng và phổ rộng kiến thức ở cả phân môn Tập làm văn, Tiếng Việt, Văn bản; câu hỏi cần có tính phân loại HS.
Tăng cường những câu hỏi cảm thụ văn bản và kết nối cuộc sống để đảm bảo tính mở của đề cũng như phát huy được năng lực của HS. Bảo đảm kỹ thuật ra đề kiểm tra (đặc biệt phần trắc nghiệm) để tránh những lỗi về hình thức và nội dung, hướng tới xây dựng hệ thống câu hỏi chất lượng từ đúng đến hay. Lựa chọn ngữ liệu (đặc biệt là ngữ liệu ngoài chương trình) cần có nguồn bảo đảm, dung lượng phù hợp và có ý nghĩa giáo dục.
“Câu hỏi trắc nghiệm trong đề kiểm tra môn Ngữ văn có tác dụng giúp giáo viên kiểm tra được kiến thức và kỹ năng của HS trên diện rộng (so với câu hỏi tự luận là kiểm tra kiến thức HS về độ sâu). Tuy nhiên, cần lưu ý bảo đảm chất lượng câu hỏi trắc nghiệm, cũng như đặc trưng của bộ môn khi xây dựng hệ thống câu hỏi.
Theo đó, câu hỏi trắc nghiệm bảo đảm phổ rộng kiến thức, kỹ năng ở cả mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng; bao quát kiến thức ở cả phân môn Tập làm văn, Tiếng Việt, Văn bản. Cần bảo đảm đúng kỹ thuật ra đề kiểm tra trắc nghiệm để tránh những lỗi cả về phần dẫn và phương án trả lời, về hình thức và nội dung. Số lượng câu hỏi trắc nghiệm cần phù hợp với từng khối lớp. Nội dung câu hỏi đảm bảo ý nghĩa và giàu chất văn” - bà Nguyễn Thị Kim Thoa lưu ý.
Cũng quan tâm đến việc bảo đảm đặc thù bộ môn, từ thực tiễn tại Trường THPT Diệp Minh Châu, cô Thanh Huyền chia sẻ: Đầu tiên cần chọn ngữ liệu hay, đậm chất văn chương, đáp ứng được những yêu cầu đặc trưng về thể loại cần kiểm tra; nội dung, ý nghĩa mang tính giáo dục, tính thực tiễn cao, có thể vận dụng tốt vào đời sống và phát huy được khả năng nhận thức, liên tưởng, tưởng tượng, sáng tạo của HS.
Hệ thống câu hỏi cần ngắn gọn, chính xác, khoa học, đi vào trọng tâm vấn đề cần kiểm tra và có hệ thống từ thấp đến cao, từ cơ bản đến nâng cao, có mở rộng, liên hệ thực tiễn. Không nên rập khuôn khi đi theo một số mẫu đề có sẵn. Cần linh động, mạnh dạn thay đổi câu hỏi tùy theo năng lực của nhóm HS, đặc thù địa phương.
Liên quan đến vấn đề này, thầy Hoàng Văn Chường nhấn mạnh, căn cứ ra đề đánh giá là chương trình, không phải SGK. Người ra đề tránh yêu cầu ghi nhớ máy móc. Đề sử dụng các dạng câu hỏi cho phép học sinh sáng tạo, được bộc lộ ý kiến cá nhân, tập trung đánh giá yêu cầu quan trọng. Hướng dẫn chấm phải mở, bám sát yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực mà chương trình quy định…