Thiếu kinh phí là trở ngại lớn nhất của các cán bộ tham gia thực hiện đề tài, dự án cũng như công bố quốc tế và đăng ký phát minh sáng chế (gần 60%).
54,7% ý kiến cho rằng khó khăn khi thực hiện đề tài đến từ các quy định, thủ tục hành chính và quản lý đề tài.
Khoảng 38% cán bộ trẻ cho rằng thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai và thực hiện công bố quốc tế hoặc đăng ký phát minh sáng chế.
Qua đó, VSL đã đưa ra các đề xuất như: Ưu tiên nhà khoa học trẻ trong việc chủ trì đề tài gần với sản phẩm đầu ra; tăng kinh phí và giảm hoặc đơn giản thủ tục hành chính; tăng cường năng lực xây dựng đề xuất, thuyết minh, hướng dẫn triển khai, thực hiện đề án; đẩy mạnh các hoạt động kết nối nhà khoa học, nhóm nghiên cứu; có cơ chế chính sách hỗ trợ trong việc tổ chức các hoạt động seminar, workshop…
Phát triển các doanh nghiệp khoa học-công nghệ
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, ĐHQGHN chuẩn bị khởi công thư viện điện tử với vốn đầu tư 20 triệu USD và nhiều công trình hiện đại khác trong khu liên hợp ĐHQGHN tại Hoà Lạc, quy mô phục vụ cho 25.000-30.000 sinh viên. ĐHQGHN cũng đang đẩy mạnh đầu tư cho kỹ thuật-công nghệ, các trang thiết bị, nhóm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm phục vụ cho giảng dạy và đào tạo nhiều lĩnh vực sáng tạo, lĩnh vực y sinh, y dược đúng chuẩn công nghệ 4.0. Các thầy cô chính là những người triển khai và vận hành nghiên cứu, chuyển giao và đào tạo các lĩnh vực khoa học công nghệ hiện đại đó.
ĐHQGHN cũng đang thí điểm nghiên cứu phát triển các doanh nghiệp khoa học-công nghệ. Tất cả các giảng viên muốn khởi nghiệp, muốn làm doanh nghiệp thì ĐHQGHN sẽ đứng ra hỗ trợ.
Như vậy, trở thành một nhà khoa học trong ĐHQGHN có rất nhiều hướng đi để phát triển, từ phát triển nhóm nghiên cứu riêng của mình, tham gia vào các nhóm nghiên cứu, thậm chí có thể phát triển các doanh nghiệp khoa học-công nghệ, thoả chí đam mê của mình… ĐHQGHN sẽ là "bệ đỡ", giúp đỡ các giảng viên, các nhà khoa học trẻ.