Các trường tiểu học và THCS hiện nay vẫn duy trì mô hình tự quản dưới sự hướng dẫn của Tổng phụ trách Đội để nhắc nhở, duy trì nền nếp.
Hiệu quả của mô hình này mang lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu không thường xuyên được hỗ trợ, giám sát sẽ phát sinh hệ lụy.
Ngành Giáo dục không quy định về hoạt động của đội sao đỏ/ cờ đỏ trong trường học. Tuy nhiên, Điều lệ Đội Thiếu niên Tiền phong và chương trình hành động hằng năm của Hội đồng đội Trung ương vẫn đề cập đến mô hình sao tự quản (lớp 1 - 3) và đội sao đỏ (lớp 4 trở lên). Nhiệm vụ quan trọng của đội sao đỏ là cầu nối giữa học sinh với nhà trường và phụ huynh. Bên cạnh duy trì nền nếp, đội sao đỏ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân.
Với gần 1.000 học sinh đang theo học, cô Nguyễn Thanh Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) nhấn mạnh, giáo viên Tổng phụ trách Đội thường xuyên quán triệt tới đội ngũ sao đỏ khối 4, 5 về nhiệm vụ chủ yếu là nhắc nhở; không đánh giá thi đua giữa các lớp dựa trên kết quả chấm của sao đỏ.
Cụ thể, đầu giờ sáng mỗi ngày, sao đỏ đứng ở cổng trường quan sát và nhắc nhở những bạn đi học muộn cần lưu ý đi học đúng giờ. Khi có trống tập trung thể dục đầu giờ, một số học sinh không xuống sân trường ngay, nhiệm vụ của sao đỏ là tới từng lớp nhắc nhở. Đội ngũ sao đỏ cũng hỗ trợ đắc lực cho công tác Đoàn - Đội như nhắc các bạn khi có hành động không đẹp (trèo leo hành lang, xả rác không đúng nơi quy định...).
Với khối 1, 2, 3 sẽ thành lập ở mỗi lớp một sao nhi đồng. Phụ trách sao nhi đồng là học sinh khối 4, 5. Theo dự kiến, mỗi tuần, anh chị phụ trách sẽ sinh hoạt sao và hướng dẫn các em tổ chức hoạt động theo nhiều chủ đề của Đội. Giáo viên Tổng phụ trách là người lên kế hoạch, kịch bản sinh hoạt sao cụ thể ở từng lớp để không ảnh hưởng đến lịch học của các em. Mỗi anh chị phụ trách sao được cô Tổng phụ trách tập huấn, làm mẫu ở một lớp và áp dụng cho các lớp còn lại theo kịch bản.
Còn cô Nguyễn Thị Ngân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Nham (Phù Ninh, Phú Thọ) cho biết, nhà trường duy trì đội sao đỏ gồm 15 học sinh ưu tú của khối 4 và 5 có nhiệm vụ giúp đỡ các bạn thực hiện tốt nền nếp học tập, sinh hoạt; tạo cơ hội cho học sinh tham gia hoạt động tập thể, rèn luyện kỹ năng sống.
Một buổi họp giữa cô Tổng phụ trách Đội và đội sao đỏ Trường Tiểu học Yên Thường, Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ |
Là giáo viên kiêm nhiệm, cô Lưu Thanh Tâm - Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Bắc Lệnh (TP Lào Cai, Lào Cai) cho rằng, vai trò quán triệt và tổ chức các hoạt động cho đội ngũ sao đỏ của giáo viên Tổng phụ trách rất quan trọng. Nhà trường áp dụng mô hình đội cờ đỏ gồm 10 - 12 học sinh khối 4, 5 có nhiệm vụ hỗ trợ nhắc nhở học sinh thực hiện đúng nội quy, quy định trường, lớp. Các em sẽ căn cứ vào tiêu chí được nhà trường, Liên đội đưa ra về cách chấm điểm các lớp để thực hiện.
Trong các nội dung chấm thi đua có việc đeo khăn quàng đỏ với đội viên, trang phục, đi học đầu giờ, thể dục giữa giờ, giờ tan học có đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy cùng bố mẹ…
Cuối tuần sẽ có buổi giao ban cùng cô Tổng phụ trách để đưa ra những ý kiến, sau đó cô trò cùng trao đổi, thống nhất. Trong thực tế không tránh khỏi phát sinh nhiều tình huống, giáo viên sẽ hướng dẫn đội cờ đỏ xử lý linh hoạt, đảm bảo hài hòa không cứng nhắc, dập khuôn.
“Đánh giá thi đua hằng tuần của các lớp không chỉ dựa vào điểm chấm của đội cờ đỏ. Tổng phụ trách Đội sẽ phối hợp cùng giáo viên lớp trực tuần quan sát, theo dõi để có cái nhìn toàn diện. Lớp nào đạt kết quả học tập tốt, tham gia đầy đủ hoạt động của trường sẽ được trao cờ Nhất, tạo không khí thi đua sôi nổi trong học sinh”, cô Lưu Thanh Tâm chia sẻ thêm.
Đội sao đỏ Trường THCS Tân Thành chấm điểm tại các lớp. Ảnh: NTCC |
Để hoạt động của đội sao đỏ phát huy tác dụng, theo cô Doãn Thị Dung - Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Trần Đăng Ninh (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, cần xây dựng trên tinh thần tự nguyện, không làm ảnh hưởng tới thời gian học tập của các em.
Thầy cô phải tuyên truyền để các đoàn thể trong nhà trường, phụ huynh học sinh nhận thức đúng vai trò của đội sao đỏ. Tổng phụ trách Đội ngay từ đầu năm tập huấn, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn đội ngũ này thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ.
“Ở cấp THCS, 15 phút truy bài đầu giờ sẽ đi chấm điểm chéo giữa các Chi đội với nhau theo tiêu chí thi đua do Liên đội nhà trường đề ra. Các tiêu chí này được thống nhất giữa ban giám hiệu nhà trường, ban phụ trách, phụ trách Chi đội và Chi đội trưởng. Ngoài ra, sao đỏ còn phối hợp với Chi đội trưởng các Chi đội chấm giờ truy bài, kiểm tra bài vở, nền nếp, vệ sinh”, cô Dung cho hay.
Sao đỏ là những hạt nhân hướng dẫn các bạn khác thực hiện tốt nội quy của nhà trường. Để làm tốt nhiệm vụ, thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho rằng, bản thân sao đỏ cần làm gương; xem công tác sao đỏ là động lực để học tập, rèn luyện tốt; không nên coi như việc phải làm mà là được làm.
Tổng phụ trách Đội là người anh, chị cả của ngôi nhà sao đỏ, và phải “3 làm”: Hướng dẫn làm; tạo điều kiện để các bạn làm; tạo động lực cho các bạn làm. Vì đó là cơ hội nên không nên giữ cố định thành viên, hãy trao cơ hội cho nhiều học sinh trên tinh thần có sự kế thừa.
Thành viên đội sao đỏ Trường THCS Tân Thành luôn có mặt sớm ở trường để kiểm tra trang phục, tác phong các bạn trước khi vào giờ học. Ảnh: NTCC |
Theo thầy Nguyễn Sỹ Bằng - giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Tân Dân (Nam Đàn, Nghệ An), theo dõi thông tin, đâu đó xảy ra trường hợp sao đỏ “lạm quyền”, bắt nạt các bạn. Nhưng đó chỉ là cá biệt và lỗi không phải do đội sao đỏ mà bởi cách vận hành, quản lý, tổ chức thực hiện của từng trường, cụ thể hơn là ban giám hiệu và Tổng phụ trách Đội.
“Ở Trường THCS Tân Dân không có đội sao đỏ đứng canh ở cổng để bắt lỗi đồng phục, đi muộn nhưng nền nếp phong trào vẫn nghiêm túc, sôi nổi bởi chúng tôi không đẩy những việc quá sức cho sao đỏ - đó là đánh giá, xếp loại. Các em chỉ phản ánh và ghi chép lại thông tin. Tổng phụ trách Đội dựa vào đó xác minh, kiểm tra lại, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và chấm điểm sau khi có sự thống nhất.
Cũng có thực tế khi sao đỏ lớp 6, 7 đi chấm lớp 8, 9 thì bị anh chị trêu. Giáo viên phải có cách giải quyết mềm mỏng, để không còn tình trạng này xảy ra. Hoặc cá biệt trường hợp giáo viên chủ nhiệm “can thiệp” vào việc chấm điểm của sao đỏ, lúc này các em phản ánh lại với Tổng phụ trách Đội để được hướng dẫn tiếp theo phải làm gì. Đó là nghệ thuật lắng nghe, tìm hiểu bản chất và giải quyết vấn đề của Tổng phụ trách Đội. Không để sao đỏ bị khó xử, áp lực. Nhờ đó, với trường tôi, các em đều gắn bó, thấy vinh dự khi được lớp bầu vào đội sao đỏ”.
Liên quan đến mô hình tự quản trong lớp học, năm 2022, Sở GD&ĐT Đà Nẵng có văn bản hướng dẫn các trường học cần giám sát chặt chẽ cán bộ lớp, sao đỏ. Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng cán bộ lớp, sao đỏ đánh, hù dọa, nạt nộ, thu đồ chơi, đồ dùng học tập… gây bạo lực về thể chất và tinh thần đối với bạn trong lớp, trường.
Đặc biệt, các trường học cần theo dõi, giám sát, quản lý không để xảy ra bạo lực học đường đặc biệt là trong các giải thi đấu thể thao, các hoạt động văn hóa, văn nghệ… Tăng cường công tác giám sát, quản lý đối với người ra - vào nhà trường, nhất là thời điểm đầu giờ và giờ tan học; không để người ngoài nhà trường tự ý ra - vào khuôn viên trường học.
Trước đó, tại Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) xảy ra sự việc học sinh lớp 1 bị đánh bầm tím sau khi đi học về. Theo kết quả xác minh của công an phường sở tại, những vết bầm tím trên chân, tay của em N.H.T.H. do bạn học cùng lớp đánh bằng thước kẻ.
Theo đó, trưa ngày 5/10/2022, khi cô giáo chủ nhiệm lớp 1/2 cho học sinh về khu vực ngủ trưa thì giao cho một học sinh giỏi trong lớp kèm em N.H.T.H. học. Trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, cô không có mặt ở lớp học. Chỉ có hai học sinh tự quản, tự kèm nhau học. Em học sinh được giao kèm H. học có kèm theo cây thước chỉ bài, nếu H. đọc sai thì gõ nhẹ. Sự việc phát sinh trong khoảng thời gian này.
Dù đã ký vào biên bản làm việc nhưng cả hai bên gia đình của em bị đánh và em được cho là đánh bạn đều không thỏa mãn với kết luận này của cơ quan chức năng. Phụ huynh của cả 2 em học sinh đều cho rằng, rất khó để tin một học sinh có trọng lượng cơ thể chỉ 18 kg có thể đánh đến bầm tím cả ống chân của em nặng 35kg, trong khi cả 2 đang ngồi học bài.
“Trẻ con khi đánh nhau thì rất khó có thể đánh tập trung vào một chỗ được. Trong khi các vết bầm của con tôi dày đặc ở ống chân, ở tay chỉ rất ít”, - chị H.N.T.H, mẹ của học sinh bị đánh cho biết.
Đồng tình với quan điểm sao đỏ “lạm quyền” do bị giao quá nhiều việc, thiếu sự sát sao của người phụ trách, cô Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Nham (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) Nguyễn Thị Ngân lý giải: Giao quá nhiều việc dễ gây áp lực tâm lý cho các em.
Hơn nữa, mục tiêu giáo dục Chương trình GDPT mới đã thay đổi so với trước, cách thức hoạt động của sao đỏ cũng cần đổi mới cho phù hợp thực tế. Nhà trường luôn chỉ đạo đội sao đỏ hoạt động nhẹ nhàng, hiệu quả. Ở những lớp học nhỏ tuổi, sao đỏ có nhiệm vụ giúp đỡ các em trong học tập, hoạt động đầu giờ truy bài; hướng dẫn cùng thực hiện tốt hoạt động của Đội đề ra.
Bên cạnh mặt tích cực, cô Lưu Thị Hồng Vân - Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) cũng chỉ ra những hạn chế mà đội sao đỏ dễ mắc phải. Theo đó, nếu giáo viên Tổng phụ trách Đội không nêu rõ trách nhiệm, quy định; từ đó dẫn đến tình trạng các em chưa xác định được nhiệm vụ, trách nhiệm. Mặt khác, có thể khiến thành viên trong đội sao đỏ chưa thực sự công tâm khi chấm thi đua; mất đi mục tiêu ban đầu là phối hợp duy trì nền nếp, nội quy nhà trường.