“Với thực trạng này, giáo dục đại học của ĐBSCL cần sự chuyển dịch mạnh không chỉ trong nội bộ các trường, mà cần sự góp sức của các trường ngoài khu vực; đồng bộ với chính sách hỗ trợ của Bộ GD&ĐT và Chính phủ mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển…”, GS.TS Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh.
Ảnh minh họa ITN. |
Một vấn đề đặt ra cho nguồn nhân lực ĐBSCL chính là tình trạng “chảy máu chất xám”. Minh chứng vấn đề này, TS Huỳnh Anh Huy, Trưởng khoa Sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: 10 năm qua, trong khi dân số vùng Đông Nam Bộ tăng lên thì dân số vùng ĐBSCL giảm. Điều này chứng tỏ có xu hướng di dân, dịch chuyển ra ngoài vùng, đặc biệt vùng lân cận.
Từ đây cũng cho thấy thị trường lao động ở ĐBSCL chưa phát triển và thu hút nguồn nhân lực. Về cơ cấu nguồn lao động có sự thay đổi, theo TS Huỳnh Anh Huy, từ năm 2010 tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn ĐBSCL chiếm tỷ lệ rất lớn; những năm gần đây giảm, nhưng lại tăng ở khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Như vậy, ĐBSCL đã có dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Do đó, công tác đào tạo cần cơ cấu ngành nghề đào tạo theo xu hướng dịch chuyển này.
ĐBSCL đang trong quá trình chuyển dịch phát triển kinh tế - xã hội, Trung ương có nhiều Nghị quyết về phát triển vùng. Tất cả nghị quyết đều đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Theo đó, trong xu hướng phát triển của thế giới và tác động mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, càng đòi hỏi đội ngũ nhân lực phải qua đào tạo, nhân lực có trình độ đại học trở lên.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Phương, đặc điểm lao động của ĐBSCL đang dịch chuyển, lao động trong khu vực nông - lâm - thủy sản giảm; lao động tham gia các khu vực ngoài nông nghiệp tăng. Vì vậy, giáo dục đại học ở ĐBSCL phải dịch chuyển theo hướng các ngành nghề mà vùng đang cần; nhất là các lĩnh vực về kỹ thuật công nghệ và dịch vụ. Ưu tiên cho tuyển sinh và đào tạo các ngành có nhu cầu cao sẽ là động lực lớn cho sự phát triển của vùng.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho hay, thời gian tới, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong nước, từng bước tiếp cận các chuẩn kiểm định chất lượng khu vực và thế giới. Cùng đó, sẽ mở rộng quan hệ, tích cực hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực; tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; Đồng thời rà soát nhu cầu xã hội để điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo sát với thực tiễn nguồn nhân lực trong vùng, đáp ứng nhu cầu học tập của người học và các doanh nghiệp, tổ chức, địa phương.