Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này. Theo nhiều người dân, họ nghe thấy tiếng động lớn kèm theo sự rung lắc của đồ vật trong nhà trong khoảng vài giây nhưng không gây thiệt hại gì đáng kể.
Theo TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, động đất là hình thái thiên tai phức tạp, có nhiều tính chất phi tuyến nên cần tiếp tục theo dõi và xử lý khi có việc bất thường. Về dự báo, cảnh báo động đất, ông Xuân Anh cho biết, hiện chỉ cảnh báo động đất có thể xảy ra ở một vùng nào đó như ở Tây Bắc, chứ khó dự báo thời gian xảy ra động đất. Ngay như ở Nhật Bản, có những trận động đất xảy ra gây thiệt hại rất lớn, những thời gian xảy ra động đất gần như không thể dự báo được.
"Với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, chỉ dự báo được qua sóng động đất chỉ vài giây đến vài chục giây. Với thời gian đó, ở Nhật họ chỉ dùng đủ để dừng hoạt động của tàu điện ngầm, cảnh báo khẩn cấp đến người dân… để chủ động phòng tránh", ông Xuân Anh nói.
Do đó, phải có giải pháp căn cơ, lâu dài cần có giải pháp kháng chấn động đất, không chỉ cho các công trình thủy điện, thủy lợi, kẻ cả nhà dân, khu đô thị… Bởi, nhiều công trình hạ tầng, nhà ở có thiết kế chống động đất ở mức thấp. Với việc vận hành ổn định Trung tâm Báo tin động đất & Cảnh báo sóng thần và các mạng trạm quan trắc đã góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.