Thầy Phạm Quốc Bảo, Hiệu trưởng trường phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu là nhân vật trong bài viết: Thầy Bảo “gõ cửa” xin gạo nuôi trò. Tác phẩm đạt giải Khuyến khích Giải Báo chí vì sự nghiệp giáo dục năm 2022.
Thầy Phạm Quốc Bảo đi đón học sinh về trường. |
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Bảo cho rằng: “Những tấm gương về nghị lực vượt khó của học sinh, giáo viên, nhất là những cán bộ quản lý nếu được báo chí đưa tin sẽ là cách lan toả để góp phần thay đổi giáo dục vùng cao”.
Theo thầy Bảo, qua mỗi tác phẩm, nhà trường, thầy cô và toàn xã hội được biết tới những mô hình giáo dục và phương pháp giảng dạy tiên tiến đang được áp dụng. Từ đó, có thể học hỏi được kinh nghiệm trong quá trình quản lý, giảng dạy tại trường.
“Giáo dục vùng cao Nậm Nhùn còn gặp rất nhiều khó khăn. Những tấm gương về cán bộ quản lý nỗ lực để thay đổi nhà trường cần được báo chí đưa tin. Điều đó không chỉ là biểu dương mà là sự động viên kịp thời để thầy cô tiếp tục cố gắng” – thầy Bảo nói.
Cũng theo thầy Bảo, để viết về những tấm gương về cán bộ quản lý, cần nhìn nhận những đổi thay của nhà trường trong quá trình thầy cô đương nhiệm. Từ cơ sở vật chất cho đến chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến như thế nào?
“Khi những tấm gương được lan toả sẽ tạo động lực để cho cán bộ quản lý ở trường khác có định hướng đổi mới trong quản trị nhà trường. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục” – thầy Bảo chia sẻ.
Thầy giáo vùng cao Mường Tè (Lai Châu) sắm vai thợ cắt tóc. |
Còn cô Lò Thị Thuỳ chia sẻ: “Tôi nghĩ, tấm gương về những giáo viên sẽ là nguồn cảm hứng giúp để những tác phẩm báo chí viết về sự nghiệp giáo dục thêm phần ý nghĩa”.
Trong 5 năm Giải Báo chí vì sự nghiệp giáo dục được tổ chức, nhà báo Nguyễn Trọng Quân của Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Lai Châu đều có tác phẩm tham dự. Trong đó, có 2 năm (2021, 2022) tác giả Nguyễn Trọng quân đã có tác phẩm đạt giải.
Nhà báo Nguyễn Trọng Quân chia sẻ: “Giáo dục vùng cao Lai Châu vẫn có những mảng sáng – tối. Cái khó rất nhiều nhưng những nỗ lực của thầy cô là không thể phủ nhận. Ngoài viết về những khó khăn ra, theo tôi cần tập trung vào những cống hiến, nỗ lực của giáo viên vùng cao, nhất là ở khu vực biên giới. Khi lan toả được những tấm gương đó sẽ tiếp thêm sức mạnh để thầy cô tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người. Và đó cũng là động lực để đội ngũ giáo viên trẻ có thể tình nguyện lên gắn bó với vùng cao”.
Giáo dục vùng cao Lai Châu vẫn còn nhiều khó khăn cần sự đồng hành của toàn xã hội. |
Ngoài ra, nhà báo Nguyễn Trọng Quân cũng mong muốn những đồng nghiệp, phóng viên, nhà báo sẽ tiếp tục khai thác đề tài những mô hình trường lớp đạt hiệu quả cao trong giáo dục như: Đưa học sinh mầm non, tiểu học về trung tâm; xây dựng trường đẹp cho em; mô hình lớp học thông minh…
“Những mô hình đó sẽ là kinh nghiệm để nhiều trường học và làm theo. Từ đó, tạo điều kiện cho giáo dục vùng cao Lai Châu ngày càng có bước tiến vững chắc. Chất lượng giáo dục toàn diện có thể phát triển đồng đều từ vùng thấp đến vùng cao” – nhà báo Nguyễn Trọng Quân chia sẻ.