"Sau giai đoạn 2025, tỉnh Đồng Nai sẽ đưa sân bay Long Thành vào khai thác thì rất cần tuyến giao thông cầu Cát Lái để kết nối với tuyến đường 25C và cao tốc Bến Lức - Long Thành đang triển khai", ông Bôn nói.
Trước đó, giữa tháng 7, UBND TP.HCM có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai có ý kiến thống nhất các nội dung về phương án kết nối giữa TP.HCM với Đồng Nai bao gồm: cầu Cát Lái, cầu Phú Mỹ 2 và cầu Đồng Nai 2.
Đối với cầu thay phà Cát Lái, UBND TP đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất hướng tuyến theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng với quy mô đầu tư 6 làn xe. Thời gian đầu tư xây dựng sau khi tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 hoàn thành đưa vào khai thác.
Lý giải về việc chưa thống nhất, TP.HCM nêu rõ các lý do. Cụ thể, về thời gian đầu tư cầu thay phà Cát Lái, hiện nay Bộ GTVT tải đang tiến hành đầu tư Cầu Nhơn Trạch với quy mô 4 làn xe. Dự kiến, dự án sẽ tiếp tục bổ sung đầu tư 4 làn xe phục vụ nhu cầu kết nối giao thông cho xe thô sơ. Thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Như vậy, sau khi hoàn thành cầu Nhơn Trạch, về cơ bản đã giải quyết được một phần nhu cầu kết nối giữa huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và TP.HCM. Ngoài ra, hiện nay tuyến đường Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái phía TP.HCM đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Do đó, TP.HCM đang nghiên cứu chủ trương đầu tư xây dựng đường Liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, kết nối từ đường Nguyễn Thị Định đến nút giao vành đai 3. Thời gian dự kiến hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2026-2030.
Vì vậy, TP.HCM cho rằng thời gian xây dựng phà Cát Lái sẽ thực hiện sau khi hoàn thành tuyến đường Liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 và đưa vào khai thác (dự kiến giai đoạn 2026-2030) là phù hợp.