Một báo cáo về thị trường của Cushman & Wakefield Việt Nam cũng ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã thu hút khoảng 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so cùng kỳ và tăng 3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản giữ vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước (3,15 tỷ USD).
Dòng tiền sẽ còn tăng mạnh vào thị trường địa ốc?
Theo nhận định và dự báo của giới chuyên gia, dòng tiền sẽ còn đổ mạnh vào thị trường địa ốc trong thời gian tới khi có nhiều động lực mới thu hút sự xuống tiền của giới kinh doanh.
Đầu tiên, đó là niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường địa ốc đã bắt đầu hồi phục trở lại. Điều này được thể hiện ở thanh khoản của thị trường.
Thứ hai là tín hiệu từ các dự án đầu tư công khởi động. Cụ thể, như mới đây, đường Vành đai 4 đi qua Hà Nội và một số tỉnh thành đã chính thức khởi công các nút giao. Ngày 29/6, đường Vành đai 3,5 nối ra đại lô Thăng Long cũng đã khởi công.
Tại khu vực miền Nam, sự kiện khánh thành cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 12.500 tỷ đồng, sự kiện khởi công Vành Đai 3 với tổng vốn đầu tư 75.000 tỷ đồng và sự kiện tái khởi động thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành (sau 4 năm dừng thi công) với tổng vốn đầu tư 31.000 tỷ đồng cũng được kỳ vọng sẽ tạo sự sôi động cho thị trường địa ốc.
Thứ ba, các chính sách gỡ vướng của Chính phủ về pháp lý, thủ tục, cũng như về dòng vốn cũng sẽ là trợ lực đẩy thị trường vượt đáy.
Thứ tư, thông tin về lãi suất liên tục hạ cũng sẽ là chỉ số dự báo dòng tiền đầu tư, mua nhà ở thực sẽ sớm quay lại thị trường địa ốc.
Cũng theo một báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản về các xu hướng nửa cuối năm 2023 của PropertyGuru thể hiện, người tham gia khảo sát có dự định mua bất động sản trong một năm tới chiếm 61%. Trong số đó, 59% có nhu cầu mua để đầu tư và đất nền là loại hình được người mua tiềm năng hướng đến nhiều nhất (40%), sau đó mới đến chung cư (28%) và nhà riêng (21%).