Dự án bị "đứng hình’, doanh nghiệp mòn mỏi mong sớm “chốt” định giá đất

Nam Anh | 17/08/2023, 13:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44 khẳng định: định giá đất là vấn đề hết sức quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai. Nhưng thời gian qua, những vướng mắc trong công tác xác định giá đất đã ảnh hưởng đến công tác huy động các nguồn lực từ đất đai.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị cần bổ sung yếu tố dự toán đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhà đầu tư cung cấp vào các căn cứ để xác định tổng chi phí đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, cao hơn suất đầu tư dự án.

Doanh nghiệp mòn mỏi chờ quy định mới

Đánh giá về tác động của phương pháp thặng dư trong Dự thảo mới, PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Giảng viên cao cấp bộ môn Luật kinh doanh, chuyên ngành Luật Kinh tế tại Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng phương pháp thặng dư rất quan trọng bởi ảnh hưởng tới tất cả các khâu bồi thường, tái định cư, GPMB. Phương pháp cũng là vấn đề căn cốt nhất để tính thuế của doanh nghiệp. Thuế liên quan đến lợi ích các bên: nhà đầu tư - Nhà nước – kinh tế xã hội địa phương, nên cũng phải tính toán chặt chẽ.

“Tinh thần là việc sửa đổi Nghị định phải tạo ra những điểm nhấn, phải tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp và cân đối được lợi ích các bên. Chứ không phải cứ thích là áp dụng. Không thích thì không áp dụng”, bà Nhung khẳng định.

Việc sửa đổi Nghị định đang khiến hàng trăm dự án bị ách tắc, tạo rào cản vô cùng phức tạp cho các địa phương. Doanh nghiệp đang chờ quy định để có căn cứ tính giá đất, địa phương cũng chờ… quy định để định giá đất. Như vậy doanh nghiệp càng thêm khó khăn, nhà nước cũng không thu được ngân sách, dẫn đến lãng phí nguồn lực lớn.

Bà Nhung cũng đặt vấn đề, một khi đưa phương pháp này vào áp dụng cũng phải tính đến những việc phát sinh. Chẳng hạn có những trường hợp doanh nghiệp đã trả tiền đất cho người dân đến 50 năm, trả 1 lần cho cả thời gian thuê rồi thì quyền lợi của họ ra sao, được đảm bảo thế nào khi chính sách mới của Nhà nước đưa ra.

“Mỗi chính sách mới sẽ tác động đến cả tiến trình phát triển của doanh nghiệp. Chính bởi vậy, khi đưa ra những quy định mới chúng ta phải có những điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo lợi ích khai thác được từ đất đai và lợi ích nhà đầu tư nữa”, bà Nhung khẳng định.

Theo thống kê từ Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS) cho các địa phương, doanh nghiệp (DN), trên cả nước có hơn 1.000 dự án vướng pháp lý. Trong đó, chiếm đa số là ách tắc do không định giá, không tính được tiền sử dụng đất để triển khai dự án.

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết hiện TP có hơn 100 dự án vướng ở khâu tính tiền sử dụng đất, chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số hơn 300 dự án bị "tắc" hiện nay trên địa bàn TP. Nếu giả định mỗi dự án có tổng mức đầu tư trung bình 2.000 tỉ đồng thì việc 100 dự án chưa thể triển khai có tổng vốn đầu tư khoảng 200.000 tỉ đồng. Chưa kể, 100 dự án không triển khai được thì nhà nước cũng không thu được thuế VAT 10% là 20.000 tỉ đồng. Giả định mỗi dự án đạt lợi nhuận 20%, tức được khoảng 400 tỉ đồng/dự án thì nhà nước có thể không thu được thuế thu nhập DN hàng chục ngàn tỉ đồng. Và tất nhiên, khi dự án không triển khai, nhà nước cũng không thể thu được tiền sử dụng đất “khổng lồ”.

Ngoài ra, thị trường BĐS bị thiếu hụt nguồn cung sản phẩm nhà ở do các dự án bị "đứng hình". Tồn kho dự án cũng là nguyên nhân dẫn đến giá nhà tăng cao, neo cao. Đó là chưa tính đến số tiền rất lớn mà các DN đã bỏ ra mua đất. Số tiền này phần lớn họ phải đi vay ngân hàng, huy động trái phiếu. Nếu tính lãi suất bình quân 10%/năm thì DN thiệt hại vô số.

“Chúng tôi kỳ vọng sớm chốt được vấn đề định giá đất để khơi thông hàng nghìn dự án đang ách tắc hiện nay. Những nội dung trong quy hoạch hiện hành đã phù hợp rồi thì không cần thiết phải điều chỉnh. Việc điều chỉnh cần tôn trọng tính khoa học, thực tiễn, hài hòa, cân bằng lợi ích các bên, tránh việc đưa ra các quy định mới nhưng không thể thực hiện, khiến dự án tiếp tục tắc nghẽn, đẩy doanh nghiệp đến đường cùng và phải từ bỏ dự án...”, lãnh đạo một DN BĐS lớn chia sẻ.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế
https://markettimes.vn/du-an-bi-dung-hinh-doanh-nghiep-mon-moi-mong-som-chot-dinh-gia-dat-37079.html
Copy Link
https://markettimes.vn/du-an-bi-dung-hinh-doanh-nghiep-mon-moi-mong-som-chot-dinh-gia-dat-37079.html
Bài liên quan
Định giá đất hiện nay là "điểm nghẽn của điểm nghẽn"
Nhiều địa phương hiện nay đang tồn rất nhiều dự án “đắp chiếu”, không triển khai được. Một trong những lý do lớn là vì không xác định được giá đất.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án bị "đứng hình’, doanh nghiệp mòn mỏi mong sớm “chốt” định giá đất