Với khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn mang lại những giá trị to lớn cho xã hội, Dự án “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu polymer siêu hấp thụ dựa trên tinh bột sắn (Tapioca starch) và ứng dụng chế tạo chế phẩm hydrogel chống cháy” đã xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học và là 1 trong 7 dự án xuất sắc được Bộ GD&ĐT chọn đi thi Cuộc thi Khoa học kỹ thuật do Quỹ sáng tạo của Canada tổ chức theo hình thức trực tuyến với hơn 800 dự án tham gia đến từ các quốc gia trên thế giới và vòng chung kết cuộc thi sẽ diễn ra vào tháng 8 năm 2023.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Tuyên Quang có dự án khoa học kỹ thuật của học sinh tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế sau nhiều năm mong đợi. |
Thầy giáo Hoàng Châu Thiện, giáo viên hướng dẫn cho dự án này chia sẻ: Ngay sau khi có kết quả cuộc thi và nhận được thông báo của Bộ GD&ĐT, thầy đã tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ học sinh hoàn thiện dự án và thực hiện theo yêu cầu từ Ban Tổ chức.
Đây là một cuộc thi quốc tế nên Ban Tổ chức đòi hỏi rất khắt khe. Do vậy, nhiều lúc chỉ biết động viên, khích lệ các em dựa trên các kiến thức được thầy cô trang bị và tài liệu đã được nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện dự án một cách chu đáo nhất. Cũng may, các em đều là học sinh lớp chuyên Anh và có khả năng đọc, nói tiếng Anh tốt. Mong rằng, với sự nỗ lực, cố gắng của các em, sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình, nhà trường, bạn bè và thầy cô, dự án sẽ đạt được thành tích cao tại cuộc thi và mang lại những giá trị to lớn sau này.
Theo thuyết minh Dự án “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu polymer siêu hấp thụ dựa trên tinh bột sắn (Tapioca starch) và ứng dụng chế tạo chế phẩm hydrogel chống cháy” nhằm mục đích tổng hợp vật liệu polymer siêu hấp thụ nước từ tinh bột sắn (là hợp chất thiên nhiên) rồi từ đó chế tạo hydrogel có khả năng chống cháy hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu từ việc tổng hợp vật liệu polymer siêu hấp thụ bằng phương pháp đồng trùng hợp ghép với các hợp chất hữu cơ khác, sau đó đánh giá các tính chất đặc trưng bằng các phép đo như SEM, TGA, phổ FTIR và đánh giá độ hấp thụ bằng phương pháp túi trà. Từ đó chế tạo chế phẩm hydrogel bằng phương pháp nhũ hóa dầu trong nước.
Cuối cùng là thiết kế các thí nghiệm đánh giá khả năng bám dính trên các vật liệu khác nhau, khả năng ngăn và dập cháy của hydrogel trong phòng thí nghiệm và ngoài hiện trường. Từ đó đã tổng hợp được vật liệu polymer siêu hấp thụ có cấu trúc mạng lưới, bề mặt xốp nhiều vi mao quản phù hợp với khả năng hấp thụ nước và có độ ổn định nhiệt, chế phẩm hydrogel chế tạo từ vật liệu cho thấy khả năng chống cháy hiệu quả.