Dự án đường nối TP HCM với cao tốc gặp khó vì 'hồ sơ thất lạc'

29/02/2024, 18:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau hơn 5 năm ngưng trệ, thủ tục dừng hợp đồng BOT dự án đường nối Võ Văn Kiệt qua cao tốc Trung Lương gặp khó vì nhân sự nhà đầu tư thay đổi, hồ sơ thất lạc.

Nội dung nêu trong công văn Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP) gửi Sở Giao thông Vận tải thành phố về tình hình thu thập thông tin, tài liệu liên quan nhằm xác định khối lượng công việc nhà đầu tư đã thực hiện tại dự án trên. Đây là cơ sở làm các thủ tục dừng trước hạn hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) tại công trình này, sau khi chính quyền thành phố đồng ý.

Dự án đường nối tại đoạn giao đại lộ Võ Văn Kiệt và quốc lộ 1A (quận Bình Tân). Ảnh: Quỳnh Trần.

Dự án đường nối tại đoạn giao đại lộ Võ Văn Kiệt và quốc lộ 1A (quận Bình Tân). Ảnh: Quỳnh Trần.

Theo TCIP, dự án trên sau khi chính thức dừng thi công từ năm 2019, đơn vị tổ chức nhiều cuộc họp và có hàng loạt văn bản đôn đốc nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh để thu thập thông tin, tài liệu, làm các thủ tục. Tuy nhiên, quá trình phối hợp với nhà đầu tư trước tháng 7/2023 gặp nhiều khó khăn do thời gian ngừng thi công, nhân sự đơn vị này thay đổi. Người thay thế không nắm công việc cũ, cử người không đúng thẩm quyền dự họp, hồ sơ bị thất lạc.

Trong tiến trình sau đó, nhà đầu tư cung cấp một số tài liệu liên quan khối lượng công việc đã thực hiện trước đây, nhưng chưa đầy đủ. Trong đó với 11 gói thầu tư vấn, doanh nghiệp chỉ tổng hợp đủ hồ sơ và pháp lý của duy nhất một gói. 10 gói thầu khác đơn vị trên chỉ còn lưu hợp đồng, các hồ sơ và pháp lý kèm theo đang phải liên hệ các bên để được cấp lại.

Với phần xây lắp, TCIP cho biết nhà đầu tư đã triển khai 7/12 gói thầu với giá trị đã thực hiện khoảng 160 tỷ đồng, trong đó khối lượng đã thanh toán khoảng 92 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số hồ sơ quản lý chất lượng phần việc các nhà thầu đã thực hiện cũng bị thất lạc. Nhà đầu tư đang liên hệ để được cung cấp lại tài liệu.

Liên quan việc lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập và thời gian thực hiện công tác kiểm toán hồ sơ nhằm quyết toán khối lượng, nhà đầu tư dự kiến hoàn thành từ cuối tháng 1/2024. Tuy nhiên, do khó khăn tổng hợp, hoàn thiện lại hồ sơ nên doanh nghiệp đề nghị tăng thêm một tháng nhằm có đủ thời gian để hoàn thành.

Trước đó vào năm 2022, TP HCM đã chấp thuận chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT dự án đường nối nêu trên. Thành phố yêu cầu các sở ngành nghiên cứu, tham mưu gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn cụ thể các thủ tục dừng hợp đồng BOT đã ký và triển khai công trình theo hình thức mới.

Một hạng mục dự án đường nối nằm chơ vơ sau khi đơn vị thi công rút đi, năm 2020. Ảnh: Hữu Công.

Một hạng mục dự án đường nối nằm chơ vơ sau khi đơn vị thi công rút đi, năm 2020. Ảnh: Hữu Công.

Dự án đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP HCM - Trung Lương được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2010, kinh phí gần 2.400 tỷ đồng. Do thiếu vốn, tháng 4/2015, UBND TP HCM đề xuất Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư. Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, đơn vị thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương) năm 2016 được thành phố chọn làm đối tác, vốn đầu tư dự án giảm còn 1.550 tỷ đồng. TP HCM lo phần giải phóng mặt bằng, ước tính 560 tỷ đồng.

Hướng tuyến đường nối. Đồ họa: Đăng Hiếu

Hướng tuyến đường nối. Đồ họa: Đăng Hiếu

Công trình gồm hai đường song hành, mỗi đường một làn xe hỗn hợp và một làn ôtô, xây nút giao hai đầu tuyến. Dự án sau khi hoàn thành sẽ phát huy hiệu quả đại lộ Võ Văn Kiệt, kỳ vọng giảm ùn tắc trên tuyến quốc lộ 1 - hoàn chỉnh mạng lưới giao thông phía tây nam thành phố, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo thỏa thuận, nhà đầu tư tự thu xếp vốn, trong đó vốn chủ sở hữu (vốn góp) gần 15%, vốn vay từ ngân hàng 85%. Khi làm xong công trình, nhà đầu tư được đặt một trạm để thu phí hoàn vốn trong 17 năm 8 tháng. Dự án khi đó tính hoàn thành cuối năm 2017, song mới đạt khoảng 12% khối lượng thì thi công cầm chừng rồi dừng hẳn từ năm 2019. Nguyên nhân do do đối tác của TP HCM không đủ năng lực.

Công ty Yên Khánh do Đinh Ngọc Hệ - Út "Trọc" (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) thành lập, đưa cháu gái là Vũ Thị Hoan (36 tuổi) làm tổng giám đốc. Ông Hệ đang chịu án chung thân trong vụ án đấu thầu, thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương và một vụ án trước đó. Cùng hai vụ án tương tự, bà Hoan bị tuyên phạt 14 năm tù. Cơ quan điều tra xác định công ty này không có vốn, lập ra chỉ để ký hợp đồng liên doanh phục vụ mục đích cá nhân, kiếm lời.

Bài liên quan
Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông còn quá thấp
Tại báo cáo tình hình giải ngân 3 tháng đầu năm kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 - chi tiết các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Bộ Tài chính cho biết hết quý I/2024 mới giải ngân đạt 11,2% kế hoạch vốn được giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (12,16%).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án đường nối TP HCM với cao tốc gặp khó vì 'hồ sơ thất lạc'