Đủ chiêu lừa đảo bất động sản: Làm gì để ngăn chặn?

Theo Trương Định | 05/10/2023, 14:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Người dân khi có nhu cầu mua bán đất nền nên tìm hiểu kỹ về các dự án trước khi quyết định ký hợp đồng.

Công khai các dự án để người dân biết

Theo Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Dương, để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng thường thu gom đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm ở các địa bàn sốt đất rồi lập dự án "ma". Sau đó sử dụng pháp nhân công ty quảng cáo sai sự thật, chào bán dưới nhiều hình thức (qua sàn giao dịch, Facebook, Zalo hoặc điện thoại trực tiếp cho khách hàng...) nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc của khách hàng. 

Một hình thức khác là phân lô, tách thửa đúng quy định về diện tích đất nông nghiệp (quy hoạch không phải là đất ở) nhưng lại "nổ" sẽ chuyển mục đích thành đất ở để bán với giá cao. Khi khách hàng đòi giao đất, giao chứng nhận quyền sử dụng đất, các đối tượng cố tình kéo dài thời gian, thỏa thuận chi trả một phần tiền phạt chậm hoặc ký phụ lục hợp đồng cam kết nhằm tiếp tục tạo lòng tin... Sau đó tiếp tục chiếm đoạt thêm tiền rồi bỏ trốn.

Nạn nhân của các dự án "ma" ngoài những người thiếu thận trọng, thiếu hiểu biết pháp luật về đất đai còn có nhiều trường hợp chấp nhận rủi ro để chuyển nhượng đất đai trái phép, mua bán bằng giấy viết tay hoặc lập vi bằng qua Văn phòng Thừa phát lại khi giao dịch... Các đối tượng phạm tội đã lợi dụng kẽ hở trong các quy định của pháp luật về lĩnh vực đất đai do chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn để lừa đảo, trục lợi.

Để hạn chế tình trạng này, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, khuyến cáo người dân khi có nhu cầu mua bán đất nền nên tìm hiểu kỹ về các dự án trước khi quyết định ký hợp đồng. "Các quy định về hợp đồng mua bán đã được quy định rõ trong Luật Kinh doanh BĐS để tránh các rủi ro về pháp lý nếu hợp đồng không thành công" - ông Hà nói.

Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, để người dân nắm rõ về các dự án BĐS đủ các điều kiện được phép kinh doanh, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ công khai, minh bạch các thông tin về các dự án BĐS trên địa bàn tỉnh.

Thứ nhất, Sở Xây dựng sẽ công khai đầy đủ thông tin về các dự án kinh doanh BĐS đủ điều kiện, được các cơ quan có thẩm quyền công nhận lên trang thông tin điện tử của sở.

Thứ hai, Sở Xây dựng sẽ thông tin đầy đủ nội dung các quy hoạch, đồ án quy hoạch từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để người dân, DN có thể tiếp cận tra cứu. Dự án BĐS nào chưa có trong quy hoạch, chưa được cấp phép đầu tư là dự án ảo.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết ông vừa ký văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, TP Biên Hòa, TP Long Khánh tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý việc tổ chức sự kiện giới thiệu mua, bán đất đai trái phép trên địa bàn. 

Đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đôn đốc các địa phương, sở, ngành liên quan tổng hợp báo cáo hằng quý công tác quản lý nhà nước về đất đai; kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật các vi phạm về đất đai và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân buông lỏng công tác quản lý để xảy ra vi phạm. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-10

Cần giám sát chặt hơn

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, cho rằng để ngăn chặn tình trạng "lùa" đi bán đất tỉnh hay lừa đảo mua dự án "ma" vẫn tái diễn, chính quyền các địa phương cần phải quan tâm sâu sát hơn những vụ việc xảy ra ở địa phương mình, nhất là các hoạt động tụ tập đông người tại những khu đất trống. Bởi đây thường là nơi mà đối tượng lừa đảo đất nền hoạt động. Lãnh đạo UBND xã, công an xã phải thông báo với các hộ dân, phải đi thực địa thường xuyên để vừa bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn cũng là để người dân nơi khác không bị lừa. Nếu cần có thể cắm biển báo để người dân biết mà đề phòng.

Đặc biệt, theo ông Quang, cơ quan quản lý cần theo dõi, xử lý nghiêm những thông tin quảng cáo nhà đất sai sự thật trên mạng. Bởi đây là nguồn để các đối tượng dùng để thu hút, mời gọi những người quan tâm hoặc có nhu cầu mua BĐS tham gia vào đường dây của chúng, từ đó tung ra các chiêu trò lừa đảo. "Quan trọng hơn nữa là các địa phương phải phối hợp chặt chẽ và thường xuyên trong việc kiểm soát và xử lý các vụ việc lừa đảo mới mong tình trạng khó tái diễn" - ông Quang nhấn mạnh. Sơn Nhung

Theo Người lao động
https://nld.com.vn/kinh-te/du-chieu-lua-dao-bat-dong-san-lam-gi-de-ngan-chan-20231004220619307.htm
Copy Link
https://nld.com.vn/kinh-te/du-chieu-lua-dao-bat-dong-san-lam-gi-de-ngan-chan-20231004220619307.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đủ chiêu lừa đảo bất động sản: Làm gì để ngăn chặn?