Chuyển tư duy quản lý nhà nước về nhà giáo sang mô hình quản trị nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo. |
Chiều 2/6, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội thảo. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các bộ/ ngành/địa phương; các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, các vị khách quý dự Hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Thực tế đã chứng minh, sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Kết quả của sự đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo.
Như vậy, chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc vào một phần rất quan trọng là chất lượng đội ngũ nhà giáo. Chất lượng của nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân, tinh thần học tập không ngừng nghỉ của mỗi nhà giáo, các chính sách, môi trường làm việc, các cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển nhà giáo như thế nào đóng vai trò quan trọng.
Xuất phát từ nhận thức đó, trong thời gian dài vừa qua, Bộ GD&ĐT kiên trì, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho phép xây dựng một Luật điều chỉnh riêng về nhà giáo.
Đến tháng 4 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật năm 2024 của Quốc hội khóa XV. Đây là tin vui, đáp ứng sự mong đợi của 1,6 triệu nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.
Quán triệt sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo xác định tư tưởng nhất quán trong quá trình xây dựng Luật là kiến tạo cơ sở, môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng.
“Tinh thần quan trọng của luật này là để phát triển lực lượng nhà giáo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội thảo. |
Quản lý nhà nước về nhà giáo là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển đội ngũ nhà giáo, từ lúc mới vào nghề, phát triển nghề nghiệp cho đến khi nhà giáo nghỉ hưu.
Chia sẻ điều này, Bộ trưởng cho rằng, quản lý nhà nước về nhà giáo cần một khung pháp lý chuyên biệt phù hợp; trong đó nhà giáo, cả công lập và ngoài công lập, thấy được chính mình, nghề nghiệp của mình, sứ mệnh của mình, con đường phát triển của mình, có vậy mới đem lại sự thành công cho người học và đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội.
Lần này, Luật Nhà giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật Quốc hội khóa XV (dự kiến thông qua vào phiên họp tháng 11 sắp tới, nếu được sẽ thông qua vào phiên họp đầu năm sau). Đây là cơ hội để chúng ta điều chỉnh quan điểm, tư duy trong quản lý nhà nước về nhà giáo.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Luật Nhà giáo cần phải thể hiện được sự đổi mới hoàn thiện thể chế trong quản lý nhà nước về nhà giáo, chuyển trọng tâm từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực.
Điểm khác biệt cơ bản của quản trị nguồn nhân lực so với quản lý nhân sự như hiện nay là nhà giáo được nhìn nhận như một nguồn lực chủ yếu đóng góp vào thành công của giáo dục.
Nguồn lực này bao gồm những nhà chuyên nghiệp trong nghề dạy học, được đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ theo một hệ thống các quy định do ngành Giáo dục thực hiện, nhằm bảo đảm có sự gắn kết giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo với mục tiêu và yêu cầu phát triển của giáo dục.
Việc chuyển tư duy quản lý nhà nước về nhà giáo sang mô hình quản trị nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi giáo dục đứng trước những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.
Luật Nhà giáo sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, chủ thể quản lý nhà nước về nhà giáo được nhấn mạnh về phía trách nhiệm của ngành Giáo dục và được phân cấp cụ thể từ Bộ tới Sở, Phòng và các cơ sở giáo dục.
Định hướng xây dựng Luật sẽ gia tăng yếu tố chuyên môn, lấy yếu tố chất lượng trong cả việc đào tạo và tuyển dụng nhà giáo.
Bộ trưởng nhấn mạnh đến yếu tố chuyên môn và chất lượng trong công tác quản lý nhà giáo, vì chính yếu tố này sẽ đảm bảo cho yếu tố quản lý nhà nước có được sự đổi mới trong cả khối công và khối tư.
Luật mới cũng sẽ hướng dẫn quản lý thống nhất, thông suốt trong toàn hệ thống với sự phân cấp rõ ràng nhưng đảm bảo được việc tuyển dụng, điều động, hoán đổi, sử dụng nhịp nhàng, thống nhất trong toàn quốc.
“Chúng tôi mong rằng, với quản lý nhà nước xây dựng trên yếu tố chuyên môn và chất lượng như vậy sẽ hướng đến việc quản lý chặt chẽ hơn, thực chất hơn và nhà giáo cảm thấy thoải mái hơn, tự do hơn trong hoạt động nghề nghiệp và có nhiều điều kiện để phát triển bản thân, đóng góp với nghề”.
Với quan điểm như vậy, theo Bộ trưởng, Luật Nhà giáo không làm giảm vai trò quản lý nhà nước về nhà giáo của các Bộ, Ngành và chính quyền các cấp đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và sẽ không có xung đột với các Luật và văn bản quy phạm pháp luật khác.
Luật Nhà giáo đề cập và làm rõ vai trò, thẩm quyền của ngành Giáo dục trong quản lý nhà nước về nhà giáo vì mục tiêu kiến tạo và phát triển.
Vì vậy, tại hội thảo, Bộ trưởng đề nghị và mong rằng, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, các quý vị đại biểu tham dự hội thảo hôm nay bày tỏ ý kiến từ những góc nhìn khác nhau để giúp cho Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo sâu sắc.