Học sinh chỉ có thể chọn chung 3 môn trong bài thi tổ hợp, cho dù lực học không phù hợp và chủ yếu chỉ dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Vì nhu cầu thực tế nên học sinh không tập trung, không đầu tư vào môn học nào đó, nhưng trách nhiệm của giáo viên thì phải tổ chức ôn tập bảo đảm theo quy định.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa/ INT |
Thầy Nguyễn Bá Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh) cho biết cơ bản đồng tình với dự thảo phương án Bộ GD&ĐT đưa ra. Riêng quy định với môn thi, để giảm áp lực cho học sinh, có thể thay đổi thành: Học sinh thi 4 môn bắt buộc và 1 môn lựa chọn. Em nào có nhu cầu xét đại học thì có thể chọn thêm một số môn nữa, còn xét tốt nghiệp chỉ cần chọn 1 môn thi.
Cũng đưa góp ý liên quan đến nội dung này, thầy Trần Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) cho rằng, cần có phương án song hành với xét tuyển đại học. Nếu chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp, học sinh thi 4 môn bắt buộc là đủ. Học trò nào cần xét đại học thì đăng ký thêm 2, 3 trên 4 môn tổ hợp lựa chọn. Như vậy vừa giúp giảm tải cho học sinh, việc phân luồng rõ rệt hơn.
Là Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận), thầy Nguyễn Hải Thọ đánh giá cao Bộ GD&ĐT đã sớm ban hành dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, có lộ trình thời gian cụ thể để địa phương, nhà trường chủ động thực hiện. Môn thi và hình thức thi phù hợp với mục tiêu Chương trình GDPT 2018. Việc phân cấp, phân quyền tổ chức thi như dự thảo là hợp lý. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước và thanh tra, kiểm tra, giám sát… để kỳ thi được tổ chức nghiêm túc giữa các địa phương.
Nhắc đến việc dự thảo được công bố, lấy ý kiến xã hội từ 17/3 đến 17/5, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho rằng, điều này thể hiện tinh thần cầu thị của Bộ GD&ĐT đối với vấn đề lớn của ngành Giáo dục. Bên cạnh những ưu điểm nổi bật đã chia sẻ, ông Trịnh văn Ngoãn đề xuất cần bổ sung thông tin về việc sử dụng kết quả thi và phương án xét công nhận tốt nghiệp. Cụ thể, còn sử dụng kết quả kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển sinh cao đẳng, đại học? Còn kết hợp điểm quá trình (điểm trong học bạ) và điểm thi để xét công nhận tốt nghiệp hay không?
“Nhìn chung, tôi đồng tình, ủng hộ chủ trương đổi mới thi và mong Bộ GD&ĐT tổng hợp ý kiến của các bộ ngành, địa phương, tầng lớp nhân dân để sớm ban hành phương án tổ chức thi. Tôi tin với sự vào cuộc quyết liệt và tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan, chúng ta sẽ có phương án tổ chức thi tốt trong thời gian tới”, ông Trịnh Văn Ngoãn chia sẻ.
“Tôi đồng tình với dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT vì: Phương án này không thay đổi nhiều so với phương thức thi tốt nghiệp THPT đang triển khai; phù hợp với việc học các môn trong Chương trình GDPT 2018; đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sử dụng điểm thi để xét tuyển vào đại học. Đặc biệt, tôi tán thành việc đưa Tin học và Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp (môn tự chọn). Nâng cao vị thế môn học này là phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hiện nay”. - Thầy Nguyễn Đức Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên